Từ ngày 5/5, phí qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức tăng phí, từ 9.000 đồng đến 448.000 đồng, tuỳ loại xe, quãng đường.
Chủ đầu tư lý giải: tăng để "đảm bảo phương án tài chính". Đây là một trong những tuyến cao tốc có lượng xe cao nhất nước, bình quân 45.000-50.000 ôtô chạy qua mỗi ngày.

Dòng xe ùn tắc kéo dài trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua nút giao với đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức, ngày đầu nghỉ lễ dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh:Đình Văn
Nhiều người bày tỏ ý kiến: Tốn tiền để đi cao tốc với mong muốn tiết kiệm thời gian, tránh kẹt xe. Nhưng tuyến này lại thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, nhất là dịp lễ. Điều này đặt ra các câu hỏi: Tăng phí có đi kèm cải thiện chất lượng và việc tăng phí đã hợp lý hay chưa?

Hướng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành Dầu Giây nối vào Dầu Giây - Phan Thiết. Đồ họa: Khánh Hoàng
Trước đó, tổng công ty cho biết các dự án cao tốc do đơn vị đầu tư, bao gồm tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được phê duyệt phương án tài chính với quy định cụ thể về mức thu và lộ trình tăng (ba năm một lần), tỷ lệ tăng 12% mỗi lần. Việc này nhằm đảm bảo hiệu quả dự án cũng như phù hợp khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư ban đầu. Cuối năm 2023, các dự án khác do VEC đầu tư đã được điều chỉnh tăng phí 12%, riêng tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ tăng 5% do bị giới hạn bởi quy định mức giá tối đa, theo Thông tư 28 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng). Hiện thông tư này đã được bãi bỏ nên VEC điều chỉnh tăng phí ở tuyến cao tốc trên để phù hợp phương án tài chính. Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, nối TP HCM và Đồng Nai đã đưa vào khai thác từ năm 2015. Đây là một trong những tuyến cao tốc có lượng xe cao nhất nước, bình quân 45.000-50.000 ôtô chạy qua mỗi ngày. |