Ngày 21/4, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai vừa yêu cầu điện lực huyện Xuân Lộc báo cáo việc cắt điện trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dẫn đến nguy cơ tai nạn, đặc biệt ở các nút giao mật độ ôtô qua lại lớn như ĐT 765, quốc lộ 1A.
Theo công ty này, sau khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khai thác, ngành điện đã hợp đồng với Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) với mục đích cấp điện cho tuyến. Tuy nhiên, VEC E không thanh toán tiền theo hợp đồng, điện lực Xuân Lộc và Cẩm Mỹ thông báo ngừng cung cấp điện. Hiện VEC E nợ điện lực Xuân Lộc 19 triệu đồng và Cẩm Mỹ 27,7 triệu đồng.
Lúc 18h ngày 12/4, điện lực Xuân Lộc đã cắt điện ở 2 nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với ĐT 765 ở xã Xuân Hiệp và nút giao quốc lộ 1A ở xã Xuân Tâm. Sau 5 phút, nhận thấy việc này "thiếu sót", đơn vị đã cấp điện trở lại. Trong khi đó, điện lực Cẩm Mỹ chỉ thông báo chứ chưa cắt.
Đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết ngành điện không có chủ trương thực hiện ngưng cung cấp điện đối với hệ thống chiếu sáng tại các nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh. Thay vào đó đơn vị sẽ có văn bản báo cáo Ban an toàn giao thông tỉnh nhằm giải quyết vướng mắc.
"Chúng tôi đã yêu cầu điện lực huyện Xuân Lộc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, không để xảy ra sự việc tương tự", đại diện Công ty Điện lực Đồng Nai nói.
Theo VEC E, sau gần một năm khai thác, chi phí vận hành, bảo trì cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hết hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn kinh phí chi trả đến nay chưa xác định nên đơn vị gặp khó khăn trong đảm bảo tiền lương, chính sách bảo hiểm cho người lao động làm việc trên tuyến. Ngoài ra các khoản tiền chiếu sáng, thiết bị chậm được tháo gỡ khiến công ty không đủ kinh phí duy trì.
Bộ Giao thông Vận tải đã ghi nhận vướng mắc trên và đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư, thuộc Bộ Giao thông Vận tải), Cục Quản lý đầu tư xây dựng công trình cùng các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết.
Dầu Giây - Phan Thiết là một đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận; điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Công trình sau khi đưa vào khai thác cuối tháng 4 năm ngoái giúp ôtô từ TP HCM đi Phan Thiết còn hơn 2 giờ, thay vì 4-5 giờ đi quốc lộ 1 như trước đây.
Phước Tuấn