Cao tốc Liên Khương - Đà Lạt dài 19 km, khai thác từ 13 năm trước, giúp kết nối từ sân bay Liên Khương và các tỉnh phía nam tới trung tâm TP Đà Lạt. Thời gian gần đây, tuyến đường xuất hiện hàng chục điểm giao cắt tự phát do người dân mở để tiện vào rẫy canh tác, vận chuyển nông sản.
Mỗi ngày hàng chục lượt xe máy, xe đạp, thậm chí cả máy cày của người dân bên đường băng ngang, đi vào cao tốc. Nhiều xe còn chạy ngược chiều. Tình trạng này giảm khi CSGT tuần tra nhưng khi cơ quan chức năng rời đi, vi phạm lại tiếp diễn.
Gần đây, phát hiện một đoạn đường đấu nối trái phép vào cao tốc ở xã Hiệp An (huyện Đức Trọng), Công ty TNHH Hùng Phát (chủ đầu tư) phối hợp chính quyền địa phương đưa phương tiện, thiết bị đến để tháo dỡ. Tuy nhiên nhiều người dân ngăn cản, giữ máy móc, yêu cầu bồi thường, khiến chủ đầu tư phải nhượng bộ vì không muốn gây mất trật tự ở địa phương.
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, Công ty TNHH Hùng Phát đã dựng hàng rào lưới B40 tại 47 vị trí, xây "bịt" các lối mở tự phát nhưng sau đó một số vị trí bị người dân phá bỏ cho xe máy băng qua. Những vi phạm này đều được công ty ghi nhận, báo địa phương để có hướng giải quyết.
Theo UBND xã Hiệp An, một số hộ dân làm nông nghiệp gần đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt trước khi mở tuyến đường đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Cao tốc sau khi hoàn thành ở một số vị trí chưa có đường gom nên người dân tự ý băng qua đường đi làm rẫy.
Để xử lý tình trạng này, UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường xử lý các vi phạm gây mất an toàn giao thông cho cao tốc. Chính quyền địa phương nơi có cao tốc đi qua thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm việc đào múc đất, phá hàng rào và dải phân cách, mở đường đấu nối trái phép.
Về giải pháp lâu dài, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp cho hay, đơn vị này đang được giao làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dân sinh dài 3,3 km, xây cống xuyên qua cao tốc với đầu tư gần 40 tỷ đồng. "Sở phối hợp UBND huyện Đức Trọng làm phương án giải phóng mặt bằng, triển khai thi công, sớm hoàn thành dự án", ông Hiệp nói.
Tình trạng phá rào, băng ngang đường còn xảy ra ở cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua huyện Long Thành, Cẩm Mỹ của tỉnh Đồng Nai. Tại cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều quán ăn đã dỡ lan can bảo vệ ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, để bán hàng, ôtô ra vào. Hành vi này bị cho rất nguy hiểm bởi cao tốc cho phép xe chạy tới 120 km/h, tài xế khó kiểm soát khi trên đường xảy ra tình huống bất ngờ.
Khánh Hương- Phước Tuấn