Thường xuyên đi công tác từ Hà Nội đến Ninh Bình, anh Thanh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay từ đầu tháng 8, anh lái xe đến TP Ninh Bình chỉ mất một giờ 45 phút cho quãng đường gần 100 km, giảm 10-15 phút so với trước đây.
Cuối tuần qua, đi qua các trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, anh Tuấn cũng không gặp cảnh xe nối đuôi nhau ùn ứ như trước đây. "Tôi đã dán thẻ thu phí không dừng và sử dụng tốt qua các trạm hàng ngày, chưa gặp lỗi như nhiều người ca thán", anh Tuấn nói.
Mỗi ngày tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình có lưu lượng ôtô khoảng 50.000-60.000. Anh Tuấn cũng như hàng chục nghìn tài xế khác phải đi qua hai trạm thu phí đầu tuyến là Pháp Vân và cuối tuyến là Cao Bồ. Nếu xuống giữa cao tốc, tài xế đi ra tại các trạm thu phí Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền.
Trước đây khi áp dụng thu phí một dừng (MTC), anh Tuấn phải dừng chờ lấy thẻ tại trạm. Ở đầu ra, anh phải trả thẻ cho nhân viên quét thẻ tính phí, rồi trả tiền, thời gian qua trạm khoảng 40-60 giây, chưa kể thời gian phải chờ đợi trước làn MTC khi xe đông.
Sau khi áp dụng ETC, xe đã dán thẻ và nạp tiền vào tài khoản giao thông, việc lưu thông qua trạm thuận lợi. Anh Tuấn chỉ cần chạy chậm dưới 30 km/h để camera nhận diện truyền dữ liệu, sau đó thanh barie bật mở và xe chỉ mất khoảng 3 giây để qua trạm.
Tài xế Lê Văn, thường xuyên chở khách du lịch trên tuyến Hà Nội - Sa Pa, nói rất ủng hộ việc lắp đặt thu phí không dừng trên cao tốc. Trước đây mỗi lần qua trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, anh thường mất 2-3 phút, chưa kể gặp lúc ùn tắc vào ngày cuối tuần. Xe của anh đã được dán thẻ ETC từ lâu song từ 1/8 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới áp dụng thu phí không dừng.
"Xe đã được công ty nạp tiền vào tài khoản nên tôi không phải chuẩn bị tiền trả phí đường, đỡ phải lấy vé về thanh toán. Thời gian đi trên đường rút ngắn 10-15 phút so với trước", anh Văn nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), đánh giá phương tiện lưu thông nhanh qua các trạm trên tuyến Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình từ khi áp dụng ETC. Hiện tượng ùn ứ chỉ xuất hiện tại một số thời điểm cuối tuần khi lượng xe tăng cao và có xe bị lỗi giao dịch. Khi barie không mở, nhân viên trạm nhanh chóng kiểm tra tài khoản xe để trừ tiền hoặc hướng dẫn chủ xe đi vào khu vực xử lý sự cố để kiểm tra thẻ.
Ở phía Nam, trên tuyến cao tốc huyết mạch TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đơn vị vận hành ghi nhận tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí đã giảm so với ngày đầu áp dụng ETC. Tại trạm Dầu Giây, Long Phước, nút giao 319 kết nối cao tốc, ôtô lưu thông qua trạm nhanh hơn.
Xe lưu thông nhanh còn do tình trạng lỗi giao dịch, chủ xe thiếu tiền trong tài khoản giảm còn 3-5% so với thời gian đầu thu phí 30-40%. 10 ngày qua, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có hơn 350.000 lượt xe lưu thông, đơn vị quản lý ghi nhận tỷ lệ bị lỗi giao dịch là 5,9%; ở cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 3-4%.
Với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, VEC ghi nhận tỷ lệ tài khoản thiếu tiền chiếm khoảng 3,2%, xe phải xử lý sự cố chiếm 4,2%. Các lỗi chính vẫn là thiếu tiền trong tài khoản để tự động trừ tiền đầu ra; tài khoản chưa kích hoạt hoặc thẻ hư hỏng, dán sai vị trí, sai quy cách. Ngoài ra, còn nhiều xe có hai tài khoản giao thông, dán hai thẻ gây lỗi giao dịch.
Theo lãnh đạo VEC, sau 10 ngày áp dụng thu phí tự động không dừng, hệ thống thu phí ETC hoạt động ổn định. Các đơn vị vận hành có thể giảm được một nửa số nhân viên làm việc tại trạm. Như tại trạm km6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trước đây có 13 nhân viên mỗi ca trực, nay chỉ cần 5 người.
Từ ngày 1/8, toàn bộ các tuyến cao tốc trên cả nước đã thực hiện thu phí không dừng, mỗi trạm thu phí chỉ có một làn xử lý sự cố.