Thông tin nêu trong tờ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành, vừa được Bộ Giao thông Vận tải gửi lãnh đạo Chính phủ.
Dự án trước đó được duyệt tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm: hơn 13.600 tỷ đồng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), gần 12.000 tỷ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại gần 5.700 tỷ đồng từ nguồn đối ứng trong nước. Sau 4 năm vướng thủ tục cấp vốn, Chính phủ đã có nghị quyết cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự cân đối và bố trí vốn để hoàn thành tuyến đường.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đạt gần 82% khối lượng. Sau khi cập nhật giá trị các gói thầu cùng khối lượng công việc còn lại, tổng mức đầu tư giảm còn 30.073 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn cũng được phân chia gồm: hơn 8.000 tỷ đồng vốn vay ADB, gần 10.600 tỷ của JICA, gần 3.900 tỷ đồng từ nguồn đối ứng.
Phần còn lại hơn 7.500 tỷ đồng sẽ do VEC tự bố trí từ tiền tích lũy của đơn vị để hoàn thành toàn bộ dự án. Số tiền này sẽ dùng để bổ sung cho phần vốn đối ứng còn lại; hoàn thiện các gói thầu phía Tây và Đông của dự án, sau khi hiệp định vay của ADB hết hạn. Đồng thời, việc đầu tư hoàn thiện nút giao giữa cao tốc với quốc lộ 51; trả các chi phí phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công; lãi vay; thuế... cũng sẽ lấy từ nguồn kinh phí trên.
Ngoài điều chỉnh tổng mức đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị lùi thời gian hoàn thành tuyến cao tốc đến tháng 9/2025, thay vì cuối năm nay do cần thời gian khởi động lại công trình. Trước đó, do dự án bị dừng quá lâu nhiều nhà thầu đã dừng hợp đồng.
Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành gồm 11 gói thầu xây lắp chính, trong đó 5 gói đoạn phía Tây dùng vốn ADB; ba gói đoạn giữa dùng vốn JICA và ba gói còn lại phía Đông dùng vốn từ hiệp định vay ADB lần hai. Năm 2019, thời điểm dự án phải hoàn thành theo kế hoạch, tổng khối lượng mới đạt 80% thì gặp vướng thủ tục nên không được bố trí vốn, dẫn đến phải nhiều lần lùi tiến độ.
Giai đoạn một, cao tốc Bến Lức - Long Thành được thiết kế 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, giúp kết nối hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Gia Minh