Theo IndieWire, sự kiện năm nay không có nhiều tác phẩm nổi bật, nhưng có một số dự án gây bất ngờ khi mang chi tiết tình dục lẫn kinh dị.
Ở lễ bế mạc tối 25/5 (giờ địa phương), Anora của đạo diễn Sean Baker được vinh danh là phim xuất sắc trong vòng tranh giải chính thức. Nội dung xoay quanh Ani (Mikey Madison), vũ công thoát y kiêm gái mại dâm người Mỹ, kết hôn với Ivan (Mark Eydelshteyn), con trai một nhà tài phiệt người Nga. Câu chuyện cổ tích thời hiện đại gặp phải trở ngại khi cha mẹ nam chính đáp chuyến bay tới Mỹ để buộc cả hai hủy hôn.
Nhiều chuyên trang nhận xét tác phẩm có nhiều cảnh mô tả cảnh hai nhân vật quan hệ. Trong bài phỏng vấn với Variety, đạo diễn cho biết thích gọi phân đoạn này là "những cảnh quay về tình dục".
Trên sân khấu, Sean Baker dành tặng giải Cành Cọ Vàng cho những người làm việc trong ngành lao động tình dục. "Tôi kết bạn với người bán dâm và nhận ra rằng có hàng triệu câu chuyện về thế giới đó. Nếu có một mục đích nào đó với những dự án này, tôi sẽ nói đó là kể những câu chuyện của con người, giúp xóa bỏ sự kỳ thị từ lâu đã bị áp đặt cho ngành nghề này", đạo diễn nói.
Theo Hollywood Repoter, chủ tịch ban giám khảo - đạo diễn người Mỹ Greta Gerwig - đánh giá dự án khiến người xem nhớ đến nhiều tác phẩm kinh điển thập niên 1930-1940 của Ernst Lubitsch và Howard Hawks. "Phim mang đến cảm giác chân thực và bất ngờ", cô nói.
Trước đó, tại buổi ra mắt, phim nhận nhiều lời khen. Trang The Playlist viết: "Sean Baker đã chứng tỏ năng lực với tư cách một đạo diễn điện ảnh thực thụ. Kỹ năng lớn nhất của anh ấy là hướng dẫn các diễn viên đạt được tầm cao mới ở bất cứ nơi nào mà câu chuyện của anh ấy có thể đưa họ đến".
Cây bút Serena Seghedoni của Loud and Clear Reviews bình luận: "Tác phẩm hay nhất của Sean Baker cho đến nay". Trong khi đó, tờ Guardian đánh giá cao diễn xuất của Madison và Eydelshteyn, đồng thời cho rằng kịch bản lôi cuốn người xem.
Không chỉ có phim của Baker, một số tác phẩm có những trường đoạn gây sốc khán giả được chú ý ở Cannes. Điển hình là tác phẩm đoạt giải Kịch bản xuất sắc The Substance, thuộc thể loại body horror (kinh dị thể xác), có cảnh nội tạng rơi khỏi cơ thể.
Phim do Coralie Fargeat đạo diễn, kể về minh tinh Elisabeth Sparkle (Demi Moore đóng) hết thời, mất việc làm huấn luyện viên của một chương trình thể hình. Mong muốn lấy lại vị thế ngôi sao, cô tìm đến The Substance, loại thuốc bí ẩn có thể tạo ra phiên bản trẻ trung hơn của mình.
Trang IndieWire nhận xét tác phẩm là "phim giải trí bệnh hoạn nhất năm", còn nhà phê bình Stephanie Zacharek của Time cho rằng tác phẩm có nhiều cảnh máu me quá mức so với thể loại body horror. Luke Hicks của The Film Stage đánh giá The Substance "bạo lực đến mức đáng lo ngại" và "không dành cho người yếu tim".
Trong khi đó, Kinds of Kindness của Yorgos Lanthimos gồm ba câu chuyện về giáo phái tình dục, tục ăn thịt người, đồng thời có nhiều cảnh nóng. Theo Variety, do cốt truyện mang đậm tính thể nghiệm, kén người xem, một số khán giả đã rời rạp khi phim chiếu được một nửa.
Theo IGN, tác phẩm lần này không có cách thể hiện hoành tráng như Poor Things, mà quay lại cách làm phim tràn ngập ẩn ý giống Dogtooth và The Killing of a Sacred Deer. Trang Deadline đánh giá phim phức tạp, là câu chuyện ngụ ngôn về quyền lực, tình dục và sự kiểm soát. Collider cho rằng dự án táo bạo nhất của Lanthimos từ trước đến nay.
Ngoài những phim gây sốc, liên hoan năm nay có một số dự án tôn vinh người yếu thế. Giải thưởng lớn của ban giám khảo (Grand Prix) - All We Imagine As Light của đạo diễn Payal Kapadia - kể về cuộc đấu tranh của ba y tá ở Mumbai (Ấn Độ). Prabha (Kani Kusruti) bị chồng bỏ rơi, Anu (Divya Prabha) vượt định kiến để yêu một chàng trai Hồi giáo, còn Parvaty (Chhaya Kadam) bị đuổi ra khỏi nhà chồng sau cái chết của người bạn đời.
Theo Metacritic, tác phẩm là một trong những phim tốt nhất liên hoan năm nay. Với nhà phê bình Peter Bradshaw của Guardian, bộ phim có lối kể chuyện "lưu loát và hấp dẫn". Cây bút Fionnuala Halligan của Screen Daily cho rằng "câu chuyện nhẹ nhàng với nhiều cảnh quay đẹp", đồng thời có sự lôi cuốn riêng. Jessica Kiang từ tạp chí Variety viết: "Chỉ cần hai phim điện ảnh trong sự nghiệp non trẻ của mình, Kapadia khẳng định tài năng hiếm có trong việc tìm ra những lát cắt tinh tế trong cuộc sống thường ngày của người Ấn Độ".
Tác phẩm nổi bật khác là The Girl with the Needle dựa trên vụ sát hại trẻ em năm 1921 ở Đan Mạch. Phim xoay quanh nữ công nhân đang mang thai, làm thêm việc bảo mẫu để có tiền chi trả cuộc sống. Bên trong cửa hàng kẹo nơi cô làm việc là địa điểm nhận nuôi bí mật, giúp những bà mẹ nghèo tìm người chăm sóc con của họ.
Guardian nhận định phim có những tình tiết rùng rợn, điển hình chiếc kim được nhắc đến trong tên tác phẩm là vật dụng phụ nữ thường dùng để phá thai trong nhà tắm công cộng ở Copenhagen sau Thế chiến I. "Nỗi sợ hãi thuần túy xuyên suốt bộ phim từ đầu đến cuối", cây bút Peter Bradshaw viết.
Theo Evergreen Archives, không chỉ có những tác phẩm ở Cannes, sắc dục và kinh dị là hai chủ đề điện ảnh thường xuyên được khai thác. Những yếu tố này không chỉ khơi gợi sự tò mò mà còn phản ánh góc khuất tâm hồn con người, giúp các nhà làm phim bày tỏ quan điểm riêng. Sắc dục thường được thể hiện qua những hình ảnh gợi cảm, khiến người xem chú ý. Trong khi đó, kinh dị kích thích sự sợ hãi, hồi hộp, đẩy khán giả vào trạng thái căng thẳng, đối diện với những điều bí ẩn.
Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 diễn ra từ ngày 14 đến 25/5. Sự kiện năm nay có thêm hạng mục tranh giải cho các tác phẩm nhập vai thực tế ảo, là một phần của dự án Cannes On Air nhằm phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo tại địa phương. Trong 12 ngày diễn ra, liên hoan thu hút nhiều sao thế giới hội tụ thảm đỏ và các buổi công chiếu phim.
Quế Chi