Theo Sohu, các phim truyền hình gần đây như Tuyết trung hãn đao hành, Phong khởi Lạc Dương, Quân Cửu Linh... có nhược điểm cảnh võ thuật dàn dựng kém, lạm dụng quay chậm, khiến khán giả khó chịu. Phong khởi Lạc Dương của đạo diễn Tạ Trạch còn bị tố cáo bắt chước động tác võ trong phim hoạt hình. Trước đó, phim kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ 2021, bị chê mờ nhạt chất võ hiệp.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cảnh võ thuật bị chê là động tác của diễn viên không sinh động. Đạo diễn hành động Trương Trạch Bân nói: "Không nhất thiết khi diễn cảnh đấm đá, diễn viên phải đánh thật vào người bạn diễn. Cái giả ở đây là về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn, bất kể nhân vật bay lên bằng cách nào, người xem đều không thấy họ lấy lực từ đâu để bay lên".
Đạo diễn lấy ví dụ trong Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An, ở cảnh Chương Tử Di và Dương Tử Quỳnh đuổi nhau trên nóc nhà, dù phân tích ở góc quay nào, người xem đều nhìn ra họ làm thế nào để có lực đẩy bay lên. "Còn ở nhiều phim cổ trang bây giờ, các nhân vật cứ đủng đỉnh bay đi bay lại trên không, hoặc họ chỉ cần chỉ tay một phát là đối phương ngã lăn quay. Động tác như thế không thể thuyết phục khán giả", Trương Trạch Bân nhận xét.
Trước đây, phim võ hiệp, hành động là thể loại quan trọng của phim ảnh Hoa ngữ, làm nên tên tuổi cho nhiều diễn viên. Văn hóa võ hiệp cũng là bộ phận quan trọng của văn hóa Trung Quốc. Vì sao cảnh võ thuật trở nên yếu kém như hiện nay?
Các đạo diễn cho rằng trách nhiệm không nhỏ thuộc về những người làm nghề chỉ đạo hành động. Ngay từ khi khởi quay một bộ phim, cách nghĩ của họ đã có vấn đề. Cảnh võ thuật không đơn thuần là xuất chiêu đánh nhau mà để phục vụ nội dung, tinh thần của tác phẩm. Khi thiết kế động tác, chỉ đạo hành động cần hiểu nội dung phim và tính cách nhân vật. "Nhưng bây giờ nhiều người làm nghề này bắt chước cảnh võ thuật trong các phim kinh điển để áp dụng cho phim mới. Họ cũng chẳng hiểu tác phẩm kinh điển đó vì sao có cảnh hành động như thế, vì sao dùng phương pháp quay chậm", đạo diễn Tôn Văn Trị nói.
Việc làm phim quá gấp gáp, không có thời gian thiết kế và triển khai cảnh hành động cũng là một trong những nguyên nhân khiến cảnh quay kém chất lượng. Theo Sohu, nhiều đạo diễn không trọng thị phần đấu võ, cho rằng chỉ cần đấm đá qua loa, cho khán giả thấy ai thắng thua là xong. Trước đây, một cảnh ba người đấu võ, ít nhất tốn một tuần mới quay xong. Còn bây giờ, nhiều khi tất cả cảnh đấu võ của một phim truyền hình chỉ dồn lại quay trong một ngày. Thời gian gấp gáp, tổ sản xuất chịu áp lực lớn, họ buộc tìm cách nhanh nhất để hoàn thành cảnh quay cho xong.
Hiện nay, người làm nghề chỉ đạo hành động "vàng thau lẫn lộn". Một số người mới đóng thế vài năm hoặc làm trợ lý cho một phim nổi tiếng nhưng có thể trở thành đạo diễn hành động nhờ các mối quan hệ.
Hiện trạng thiếu nhân tài cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng cảnh võ thuật đi xuống trong các phim truyền hình. Những năm 2000, thù lao cho người đóng thế vào khoảng 8.000 nhân dân tệ (28,5 triệu đồng). Sau 20 năm, những người làm mảng hóa trang, thiết kế trang phục không ngừng được tăng lương nhưng mức lương của nhân viên phụ trách cảnh hành động không tăng là bao. Chỉ những người đóng thế cho phim điện ảnh, truyền hình được đầu tư lớn mới đạt mức lương trên 10.000 nhân dân tệ một tháng (35,7 triệu đồng). Thù lao chưa tương xứng với công sức khiến người trẻ không mặn mà theo nghề võ, dẫn đến ngày càng thiếu nhân tài lĩnh vực này.
Giới chuyên môn nhận định diễn viên cũng cần chịu trách nhiệm khi loạt cảnh hành động bị đánh giá thấp. Hiện nay, diễn viên chính không có thời gian luyện tập thể lực, luyện võ để đóng phim. Nhiều người mặc định cảnh đấu võ là của diễn viên đóng thế. Khi được yêu cầu tự quay, không ít người đề nghị đạo diễn giảm độ khó hoặc chỉ buông một câu: "Em không làm được".
Một đạo diễn tiết lộ nhiều sao không tuân thủ giờ giấc trường quay, luôn yêu cầu êkíp sửa cảnh hành động theo ý họ. Một số sao nữ kiêu kỳ, đỏng đảnh, luôn dọa không đóng phim mỗi khi phật ý trên phim trường. Các đạo diễn cũng sợ diễn viên chính xảy ra chuyện, cả đoàn phải ngừng quay, vì thế nể mặt diễn viên. Đạo diễn Tôn Văn Trị nói: "Nhiều diễn viên biết họ có thể tự quay cảnh hành động nhưng sợ bẩn, sợ xấu. Họ được cả êkíp nuông chiều đến mức không phân biệt được đâu là bổn phận công việc của mình".
Những "vấn nạn" trong cảnh quay hành động là hệ quả của đà phát triển của cả ngành phim ảnh cùng xu hướng phim hành động thoái trào. Ở một số phim, chỉ đạo hành động hao tâm tổn sức thiết kế cảnh quay nhưng doanh thu không bằng một phim hài kinh phí thấp. Vì thế, ngày càng ít tác phẩm đầu tư cho cảnh hành động.
Các nhà làm phim nhận định nếu được trọng thị, vẫn có những phim có màn hành động đẹp mắt, chân thực, như Trường An thập nhị thời thần. Tác phẩm này quay trong bảy tháng, hầu hết diễn viên tự thể hiện cảnh hành động một cách chuẩn xác, hợp logic.
Việc khán giả chê bai cảnh võ thuật được cho không hẳn là điều tệ. Bởi cho thấy người xem vẫn muốn xem những màn đấu võ chân thực, đẹp mắt. Phản ứng của họ sẽ khiến các nhà làm phim nhìn nhận lại công việc của mình. Nhà sản xuất cũng phải đánh giá lại vai trò của cảnh hành động.
Nghinh Xuân (theo Sohu)