Các sĩ quan tập trung tại đại lộ Champs-Elysees, thủ đô Paris, đỗ hàng chục phương tiện dưới Khải Hoàn Môn để phản đối hạn chế mới với các biện pháp khống chế nghi phạm mà họ có thể sử dụng. Một xe bán tải treo biểu ngữ "không cảnh sát, không bình yên", một áp phích khác in ảnh các thương tích của cảnh sát bị tấn công khi làm nhiệm vụ với dòng chữ "Ai đang tàn sát ai?".
Cuộc biểu tình của cảnh sát Pháp diễn ra trước cuộc thảo luận về thay đổi trong chiến thuật của cảnh sát giữ các đoàn thể của lực lượng và Bộ trưởng Nội vụ Kouthe Castaner. Bộ trưởng Castaner hồi đầu tuần tuyên bố cảnh sát sẽ không được dạy cách kẹp hoặc ghì cổ khi bắt nghi phạm.
Castaner cũng cấm lật sấp để khống chế nghi phạm, kỹ thuật bị cho là gây ngạt thở và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, Bộ trưởng nội vụ Pháp sau đó bỏ lệnh cấm này.
Các kỹ thuật khống chế nghi phạm như trên ngày càng bị chỉ trích sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu tại Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ. Cảnh sát Pháp cho biết hạn chế mới nhằm vào kỹ thuật khống chế nghi phạm "đi quá xa".
Các sĩ quan thuộc liên đoàn Unite SGP Police FO tối 11/6 đặt còng tay bên ngoài các đồn cảnh sát trên khắp nước Pháp trong cuộc biểu tình mang tính biểu tượng. "Họ muốn ngăn chúng tôi làm việc", đại diện Unite SGP Police FO Yves Lefebvre nói trên kênh BFM. "Ông Castaner dường như đã lắng nghe chúng tôi nhưng chưa đủ".
Nhiều cuộc biểu tình bùng phát tại Pháp sau cái chết của Floyd. Một cuộc tuần hành khác dự kiến diễn ra ngày 13/6. Vụ cảnh sát da trắng ghì chết Floyd khiến nhiều người Pháp nhớ lại Adama Traore, 24 tuổi, chết trong lúc bị giam hồi tháng 7/2016 và gây ra đụng độ nhiều ngày ở ngoại ô Paris.
Hai lần khám nghiệm tử thi và 4 lần kiểm tra y tế riêng biệt đưa ra nguyên nhân mâu thuẫn về cái chết của Traore. Gia đình nạn nhân cho rằng Traore ngạt thở vì bị ba sĩ quan khống chế bằng kỹ thuật gây tranh cãi.
Giám sát viên nhân quyền của Pháp Jacques Toubon hồi đầu tuần cảnh báo về "khủng hoảng niềm tin của công chúng với lực lượng an ninh", yêu cầu đảo ngược điều ông gọi là "tâm lý chiến" trong thực thi pháp luật.
Bình luận rò rỉ từ một nhóm kín trên Facebook của cảnh sát gây làn sóng phẫn nộ về nạn phân biệt chủng tộc trong lực lượng thực thi pháp luật của nước này, khiến các công tố viên Paris phải mở cuộc điều tra hồi tuần trước.
Điện Elysee cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8/6 thúc giục các bộ trưởng đưa ra đề xuất nhằm cải thiện hoạt động gìn giữ trật tự và giải quyết cáo buộc về định kiến chủng tộc. Bộ trưởng Castaner thông báo lệnh cấm cảnh sát kẹp cổ nghi phạm và cam kết không khoan nhượng với nạn phân biệt chủng tộc trong lực lượng, đồng thời cho biết sẽ tăng cường trang bị camera gắn trên người các sĩ quan.
"Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không có chỗ đứng trong xã hội và thậm chí ít hơn trong lực lượng cảnh sát cộng hòa của chúng ta. Tôi sẽ không để những hành động thù ghét của một số sĩ quan bêu xấu toàn bộ lực lượng cảnh sát", Castaner nói. "Tôi phủ nhận toàn bộ lực lượng cảnh sát phân biệt chủng tộc, nhưng một số sĩ quan như vậy".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)