Cảnh sát Nga đã bắt 839 người tham gia biểu tình phản đối dự luật cải cách lương hưu hôm 9/9, cùng ngày Nga tiến hành bầu cử các vị trí thống đốc, nghị sĩ, quan chức địa phương, New York Times dẫn thông tin từ tổ chức giám sát phi lợi nhuận OVD-Info cho hay.
Biểu tình diễn ra tại hơn 80 thành phố và thị trấn trên khắp nước Nga. Các vụ bắt giữ diễn ra ở 33 thành phố, chủ yếu là St. Petersburg, nơi chính quyền ban đầu cho phép một cuộc biểu tình nhưng sau đó thay đổi quyết định. Một số trợ lý thân cận của lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, người kêu gọi biểu tình, cũng đã bị bắt.
Bộ Nội vụ Nga khẳng định cảnh sát thực hiện 100 vụ bắt giữ ở St. Petersburg và "một số" ở Moskva. Những đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát đôi lúc phải dùng đến bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình. Nhà chức trách tuyên bố hầu hết các cuộc biểu tình hôm 9/9 là bất hợp pháp.
Tại Moskva, khoảng 2.000 người ủng hộ Navalny tập trung tại quảng trường trung tâm Pushkin. Cảnh sát chống bạo động ra lệnh cho họ phải giải tán, nếu không sẽ bị truy tố. Một số người sau đó diễu hành qua trung tâm thủ đô Moskva trước khi bị cảnh sát chống bạo động ngăn lại.
Navalny, người vừa phải chịu án tù một tháng vì tổ chức biểu tình bất hợp pháp, hôm 8/9 kêu gọi biểu tình trên khắp nước Nga để phản đối dự luật cải cách lương hưu. Phần lớn những cuộc biểu tình này đều không được chính quyền phê duyệt, đồng nghĩa với việc những người tham gia có thể bị bắt.
Theo dự luật về cải cách lương hưu được quốc hội Nga thông qua hồi tháng 7, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới sẽ tăng lên đến 65 vào năm 2028, còn tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ tăng lên 63 vào năm 2034.
Sự thay đổi này đã gây ra nhiều tranh luận gay gắt trong xã hội Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định dự luật nhằm đảm bảo sự ổn định và vững chắc về tài chính của hệ thống lương hưu trong nhiều năm sắp tới. Những người phản đối cho rằng do tuổi thọ trung bình của người Nga thấp, nhiều người sẽ không sống được đến lúc nhận được khoản tiền hưu trí từ chính phủ.
Huyền Lê