"Tiền từ ngân sách đã hết và bây giờ chúng ta phải đánh cắp từ lương hưu để sống qua ngày", lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny hôm nay viết trên các trang mạng xã hội để kêu gọi biểu tình phản đối cải cách lương hưu ở Nga, theo AFP. Navalny vừa phải chịu án tù một tháng vì tổ chức biểu tình bất hợp pháp.
Navalny kêu gọi biểu tình vào ngày Nga tiến hành bầu cử địa phương cho các vị trí thống đốc, nghị sĩ, quan chức địa phương. Người dân đi bỏ phiếu vào lúc 8h (12h giờ Hà Nội) và các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào 14h cùng ngày (18h giờ Hà Nội). Phần lớn những cuộc biểu tình được lên kế hoạch trong hôm nay đều không được chính quyền phê duyệt, đồng nghĩa với việc những người tham gia có thể bị bắt.
"Moskva là nơi chúng tôi có ít nhất 30% những người tiềm năng ủng hộ. Họ có chung lý tưởng với chúng tôi", cựu nghị sĩ đối lập Dmitry Gudkov nói.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin được đánh giá sẽ tái đắc cử với khoảng 70% phiếu bầu. Những người ủng hộ nói rằng Sobyanin đã thay đổi bộ mặt thành phố với các dự án cải tạo hàng tỷ USD, bao gồm một công viên trung tâm, các khu vực mới dành cho người đi bộ cùng với một chuỗi các ga tàu điện ngầm mới.
Alexei Navalny, 41 tuổi, là một luật sư, nhà hoạt động tài chính và chính trị thường xuyên chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông thu hút nhiều người ủng hộ qua mạng xã hội và đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Nga. Navalny được trả tự do hôm 14/6 sau khi phải ngồi tù một tháng vì kêu gọi các cuộc biểu tình bất hợp pháp trước lễ nhậm chức của Tổng thống Vladimir Putin.
Năm ngoái, Navalny ngồi tù 3 lần vì vi phạm quy định tổ chức biểu tình và phải tới Tây Ban Nha phẫu thuật sau một vụ tấn công đường phố khiến ông gần như bị mù một mắt.
Theo dự luật về cải cách lương hưu được quốc hội Nga thông qua hồi tháng 7, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới sẽ tăng lên đến 65 vào năm 2028, còn tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ tăng lên 63 vào năm 2034.
Sự thay đổi này đã gây ra nhiều tranh luận gay gắt trong xã hội Nga. Tổng thống Putin khẳng định dự luật nhằm đảm bảo sự ổn định và vững chắc về tài chính của hệ thống lương hưu trong nhiều năm sắp tới. Những người phản đối cho rằng do tuổi thọ trung bình của người Nga thấp, nhiều người sẽ không sống được đến lúc nhận được khoản tiền hưu trí từ chính phủ.
Huyền Lê