Lúc 8h ngày 17/8, sáu tấm barie được đặt dọc theo chiều xe di chuyển, chia một bên đường Nguyễn Chí Thanh thành hai làn. Hai cảnh sát giao thông đứng ở đầu chốt phân luồng phương tiện đi thẳng và luồng xe vào khu vực kiểm tra. Hơn 10 cảnh sát đứng cách nhau hơn 2 m xem xét giấy đi đường của người dân.
Để tránh ùn tắc, hai cảnh sát trật tự được phân công đứng ở nút giao Huỳnh Thúc Kháng phân luồng khi lưu lượng xe đông.
Bên trong chốt, một cảnh sát nhắc nhở người dân di chuyển đến các vị trí kiểm tra chưa có người, đồng thời thông báo xe nào được phép di chuyển tiếp. Với những người không đủ giấy tờ theo quy định, cảnh sát yêu cầu dắt xe lên vỉa hè lập biên bản. Khu vực lập biên bản, nhà chức trách kê 3 bàn kèm ghế ngồi.
Hôm nay là ngày thứ hai Hà Nội triển khai 6 tổ liên ngành kiểm soát người ra đường. Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), tổ công tác liên ngành bao gồm các lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự, công an địa bàn. Hai hình thức hoạt động của các tổ này là cắm chốt và tuần tra lưu động những điểm nóng, đầu mối giao thông, tuyến phố chính tại 12 quận nội thành, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông.
Trong hai ngày đầu tiên, lực lượng chức năng đang tập trung triển khai các chốt tại chỗ, chưa tuần tra lưu động. Trước đây nhiều cấp phường ở Hà Nội đã tổ chức chốt kiểm tra giấy đi đường của người dân trên hàng loạt tuyến phố, tuy nhiên các chốt này chỉ lập trong một khu vực hẹp (đặt barie và kiểm tra tại chỗ) dẫn đến cảnh ùn ứ xe cộ ở một số nơi. Lần này, chốt của tổ liên ngành chỉ lập ở các tuyến phố trung tâm, lưu lượng giao thông lớn.
Điểm khác so với trước là chốt liên ngành lập trên đoạn đường dài khoảng 50 m với sự tham gia của hơn 30 cảnh sát, chia nhỏ các điểm kiểm tra (trong khu vực 50 m) thay vì chỉ tập trung kiểm tra tại một điểm như chốt cấp phường trước đây. Sáng nay (17/8) khu vực chốt liên ngành không ghi nhận tình trạng ùn ứ phương tiện, tuy nhiên ở điểm kiểm tra có lúc dồn cả chục phương tiện cách nhau từ 0,5 đến một mét.
Trên đường Nguyễn Chí Thanh, chị Nguyễn Hương Giang, nhà ở Thành Công (Ba Đình) được yêu cầu vào khu vực kiểm tra. Chị xuất trình giấy đi chợ, tuy nhiên qua cảnh sát thông báo "giấy đã hết hạn từ 15/8". Chị Giang phân trần do vội nên mang nhầm và có giấy đi chợ đúng ngày ở nhà.
Cảnh sát sau đó nói tại thời điểm kiểm tra chị Giang xuất trình giấy đi chợ không hợp lệ nên sẽ bị xử phạt lỗi ra đường không có mục đích thiết yếu, mức từ một đến ba triệu đồng.
Cùng lúc, cảnh sát dừng tiếp một đoàn xe, kiểm tra giấy đi đường của hai người phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Khanh, nhà ở Triều Khúc (Thanh Trì), ngồi đằng sau cho biết "đang đưa con đi đẻ" nên không có giấy đi đường mang theo. Cảnh sát hỏi "tại sao đưa đi đẻ mà không có bà bầu?", người Khanh giải thích con gái đi cùng chồng ở xe phía trước, bà vào sau để trông nom.
Trước tình huống trên, cảnh sát tạo điều kiện cho bà Khanh gọi con gái quay lại, nếu đúng sẽ cho phép đi tiếp. Khoảng 10 phút sau, hai con của bà Khanh tới chốt và bà Khanh được tiếp tục di chuyển.
Đại úy Trần Ngọc Lực, chốt trưởng trên đường Nguyễn Chí Thanh, đánh giá lưu lượng giao thông sáng 17/8 vào giờ cao điểm "vẫn rất đông". "Qua kiểm tra hầu hết người dân đều có giấy đi đường. Một số người không có giấy nhưng đưa ra lý do chính đáng nên được tạo điều kiện di chuyển", Đại úy Lực nói và cho biết với những người sử dụng giấy không đúng mẫu, cấp không đúng quy định thì lực lượng tại chốt sẽ báo cáo cấp trên để làm rõ.
Trên đường Nguyễn Trãi, cảnh sát cũng dùng barie lập chốt kiểm soát trên đoạn đường dài khoảng 50 m với ba làn đường. Mỗi đợt kiểm tra, lực lượng ở chốt dừng khoảng 15 đến 20 xe máy và 5 ôtô.
Một người đàn ông xuất trình giấy đi đường của công ty tư nhân. Cảnh sát nhìn giấy đi đường và cho rằng không đúng mẫu thành phố ban hành, sau đó chụp lại giấy đi đường này, báo cáo về cấp chỉ huy để xem xét trách nhiệm đơn vị cấp giấy.
Hà Nội đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dự kiến đến 6h ngày 23/8. Chính quyền yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Ghi nhận trong các tuần qua, lượng người ra đường ở Hà Nội đã giảm hẳn so với trước đây, song nhiều tuyến phố vẫn khá đông phương tiện qua lại.