Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trả lời phỏng vấn của VnExpress về định hướng sử dụng công nghệ của lực lượng CSGT, sau khi Đề án "đầu tư lắp đặt camera giám sát trên toàn quốc " (Đề án) được Thủ tướng phê duyệt.
- Với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, thời gian tới Đề án sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Ngày 19/2, Cục CSGT đã họp và đề xuất lãnh đạo Bộ Công an về việc thành lập ban chỉ đạo chuyên trách thực hiện Đề án này; hoạch định chi tiết các công việc, như xây dựng dự án trung tâm dữ liệu kết nối, điều khiển chỉ huy giao thông ở Cục và hai dự án nâng cấp, lắp đặt hệ thống camera tại TP Hà Nội, TP HCM...
Khi bắt tay vào công việc cụ thể, thành viên ban chỉ đạo sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả của hệ thống camera đã có, để từ đó lựa chọn công nghệ trong thời gian tới, đảm bảo kết nối đồng bộ, tiết kiệm ngân sách.
Chúng tôi cũng sẽ lên phương án kết nối hệ thống dữ liệu camera trung tâm của Cục trên phạm vi toàn quốc với hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia; kết nối hệ thống giám sát của ngành giao thông đang xây dựng để phục vụ CSGT trong quá trình xử lý vi phạm.
- Dự kiến số lượng camera cần lắp đặt trên các tuyến đường là bao nhiêu, thưa ông?
- Hiện nay trên thế giới chưa có sự thống nhất về việc lắp bao nhiêu camera là đủ trên mỗi tuyến đường. Mỗi nước tùy theo khả năng tài chính sẽ lựa chọn phương thức đầu tư khác nhau. Nếu nhiều tiền thì lắp đại trà trên mọi tuyến đường. Phương án khác là ưu tiên lắp đặt ở các vị trí trọng điểm, nhất là những khu vực khả năng cao xảy ra tai nạn, nguy cơ cao ùn tắc và vi phạm giao thông.
Hiện chúng ta không đủ khả năng để phủ kín camera trên các tuyến đường, nên Bộ Công an sẽ lựa chọn phương án chỗ nào cần lắp trước, ưu tiên khu vực nội thành; đồng thời, đảm bảo phân bổ đồng bộ trên các cao tốc, quốc lộ trọng điểm từ Bắc vào Nam.
- CSGT làm nhiệm vụ trên đường sẽ được điều chỉnh như thế nào khi hệ thống camera này hoàn thiện?
- Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm tối đa cảnh sát trên đường, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cảnh sát với người vi phạm. Khi hệ thống dữ liệu camera trên toàn quốc được kết nối với các dữ liệu khác, CSGT có thể dùng máy tính, trích xuất dữ liệu biển số, rà soát xem xe gây tai nạn đang bỏ trốn hướng nào...
Hệ thống camera kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc xử phạt vi phạm sẽ được cải tiến. Hiện nay lực lượng chức năng phải lập biên bản giấy, 7 ngày sau mới có thể ra quyết định xử phạt, người vi phạm trực tiếp lên nộp phạt và bị tước bằng lái. Thời gian tới, CSGT chỉ cần đánh số căn cước công dân của người vi phạm rồi ra quyết định xử lý vi phạm điện tử, sử dụng chữ ký số để hoàn thiện việc xử phạt trên mạng.
Với việc áp dụng công nghệ, trong tương lai CSGT cũng có thể trừ điểm hoặc tước bằng lái xe trên hệ thống thay vì phải tước giấy tờ trực tiếp như hiện nay.
CSGT chỉ xuất hiện để xử phạt các vi phạm mà hệ thống camera không phát hiện được, như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, phối hợp truy bắt tội phạm sử dụng bạo lực trên đường...
- Việc áp dụng công nghệ vào xử lý vi phạm sẽ giúp chống tiêu cực, xin cho trên đường như thế nào?
- Khi áp dụng công nghệ, việc xử phạt hoàn toàn dựa trên máy tính, camera, dữ liệu điện tử nên sẽ khó có chuyện xin cho, hoặc bỏ qua vi phạm, vì tất cả chứng cứ đã lưu hết trên hệ thống.
Cục CSGT cũng trang bị các loại camera đeo ở ngực, cầm tay và trên xe cho các tổ công tác. Các tổ này buộc phải ghi lại toàn bộ quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nếu cố tình không ghi lại sẽ bị xử lý theo quy định, do vậy có thể nói việc xử lý khách quan và minh bạch.
Ngoài ra, tới đây khi hệ thống camera được tích hợp trên toàn quốc, chúng tôi sẽ xây dựng một app điện thoại để nhận thông tin, hình ảnh của người dân cung cấp. Qua đó các tiêu cực nếu có sẽ được xác minh, xử lý căn cứ trên phản ánh của người dân.
- Ngoài phục vụ nhiệm vụ của CSGT, hệ thống camera này mang đến lợi ích gì cho người dân?
- Với hệ thống camera đồng bộ, CSGT sẽ giúp người dân theo dõi các thông tin giao thông theo thời gian thực; điều hướng phương tiện thông qua bản đồ số. Ví dụ, người dân có thể truy cập app do Cục CSGT xây dựng trên điện thoại, xem tuyến đường mình sắp đi có ùn tắc hay không, đi hướng nào thông thoáng hơn...
Chúng tôi cũng tiến tới nghiên cứu tích hợp đèn báo hiệu trên đường với camera đếm phương tiện, để tự động điều chỉnh chu kỳ đèn theo số lượng phương tiện, tối đa hoá tốc độ lưu thông, tránh ùn tắc và giúp giảm thời gian lưu thông trên đường của người dân...
Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát trên toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 2 có tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng - quy mô lớn nhất từ trước tới nay, và được chia làm ba dự án, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Dự án một do Cục Cảnh sát giao thông làm chủ đầu tư với khoảng 850 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera.
Hai dự án còn lại có cùng nội dung đầu tư là nâng cấp Trung tâm chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát cho Hà Nội, TP HCM, sẽ do công an của các thành phố này làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến mỗi dự án 650 tỷ đồng.