"Chúng tôi đã gọi cảnh sát Anh, họ không giúp chúng tôi. Chúng tôi gọi cho cảnh sát Pháp thì họ bảo: 'Mọi người đang trong lãnh thổ Anh'", Mohammed Ibrahim Zada, 21 tuổi, một trong hai người sống sót sau thảm kịch, hôm 28/11 cho biết.
Theo Zada, 33 người di cư lên xuồng cao su, nhưng nó bắt đầu bị ngấm nước gần như ngay lúc hành trình bắt đầu từ bờ biển Pháp đêm 23/11. Họ "chiến đấu với tử thần" suốt nhiều giờ, bám vào xác xuồng để trôi nổi trong đêm.
"Trên xuồng có các gia đình và tôi nhớ có một đứa trẻ khoảng 3-4 tuổi. Chúng tôi nắm tay nhau và mọi việc vẫn ổn cho đến bình minh. Sau đó, hầu hết mọi người đều chết. Cả đêm không ai chết nhưng đến rạng sáng, nhiều người buông tay khỏi những gì còn lại của chiếc xuồng và ra đi", anh nói thêm.
Các thi thể được tìm thấy trôi nổi trên eo biển Manche 12 giờ sau khi khởi hành, cách bờ biển vài km trong vùng biển của Pháp. Một ngư dân Pháp đã phát tín hiệu khẩn cấp sau khi phát hiện thi thể.
Zada nói rằng anh cố vượt biên đến Anh để kiếm tiền gửi về quê nhà chữa bệnh cho em gái. Theo thanh niên này, tính mạng anh hiện gặp nguy hiểm vì những bằng chứng anh có thể giao cho cảnh sát. "Những kẻ buôn người đe dọa tôi. Họ nói sẽ giết tôi nếu bắt được", anh cho hay.
Khi nước bắt đầu rò vào xuồng, nhóm người di cư thấy tàu lớn đi qua nhưng quyết định không vẫy tay cầu cứu vì vẫn hy vọng có thể đến được Anh.
Zada, người lao động đến từ vùng người Kurd ở Iran, đã khóc khi nhận ra bức ảnh chụp một gia đình trên truyền hình. Anh khẳng định họ đã đi xuồng cùng anh khi vượt eo biển.
Một tuần trước thảm kịch, gia đình Rzgar, đến từ vùng tự trị của người Kurd ở Iraq, nói về ước mơ bắt đầu cuộc sống mới ở Anh, khi trả lời phỏng vấn tại trại di cư tạm bợ ở Dunkirk, Pháp. Thành viên nhỏ tuổi nhất của gia đình là Hasta Rzgar, 7 tuổi.
Anh trai của bé là Mubin Rzgar, 16 tuổi, bày tỏ khao khát được học ở Anh. Hadya Rzgar, 22 tuổi, và em trai Twana Rzgar, 19 tuổi, cũng có mặt trên xuồng và được cho là đã thiệt mạng cùng người mẹ Kazhal Hama Salih.
Mubin tiết lộ có họ hàng ở Birmingham và cố đến Anh để có cuộc sống tốt đẹp hơn. "Nước Pháp cũng tốt, nhưng mẹ cháu không thích Pháp. Ngôn ngữ khó quá. Tiếng Anh dễ hơn và chúng cháu cũng có họ hàng ở Birmingham", Mubin nói.
Hadya, học nghệ thuật tại trường đại học ở quê nhà, nói rằng ở Iraq họ không có tiền, trong khi cuộc sống ở Anh rất tốt. Cô mong muốn trở thành nghệ sĩ hoặc diễn viên sau khi đã ổn định ở Anh.
Người cha, vốn là cảnh sát, không tham gia hành trình đến châu Âu cùng vợ con vì bận công việc."Vợ con tôi khăng khăng muốn đi nên tôi đồng ý sẽ tham gia nếu họ đến được. Nếu không, họ có thể quay lại. Tôi chưa bao giờ biết việc đó mạo hiểm. Vợ con tôi lên xuồng, sau đó, tôi không nhận được tin gì nữa", ông nói, thêm rằng lần liên lạc cuối cùng giữa họ vào 22h ngày 23/11.
Theo Telegraph, người mẹ và những đứa con lớn trong gia đình Rzgar tham gia nhóm chat với một kẻ bị cáo buộc buôn người, hiện đã trốn sang Italy. Họ thảo luận về khoản tiền 2.500 bảng Anh (hơn 3.300 USD) cho mỗi thành viên gia đình muốn vượt biên đến Anh bằng xuồng bơm hơi.
Tổng cộng 10 người, đều là người Kurd, tham gia nhóm chat này. Tất cả họ được cho là đã chết trong thảm kịch.
27 người được xác nhận đã chết khi chiếc xuồng chìm ở eo biển Manche sáng 24/11 và 4 người khác vẫn mất tích. Giới chức Pháp đang nỗ lực xác định danh tính 27 thi thể. Họ cho biết có thể mất một tuần nữa danh tính các nạn nhân mới được công bố. Xét nghiệm ADN sẽ được thực hiện và đối chiếu chéo với các thành viên trong gia đình.
Quãng đường vượt biển từ Pháp tới Anh chỉ dài 33 km, nhưng là một trong những vùng biển nhộn nhịp và nguy hiểm nhất thế giới, khiến nó được coi là "eo biển tử thần" với người di cư. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người mạo hiểm vượt qua nó để tới được nước Anh. Người nhiều tiền dùng xuồng bơm hơi, trong khi người không có tiền dùng ván chèo, thuyền kayak hoặc phao cao su.
Huyền Lê (Theo Telegraph)