Sao lùn nâu là những vật thể bí ẩn trong vũ trụ. Chúng còn được gọi là ngôi sao "thất bại" bởi có khối lượng nặng hơn hầu hết các hành tinh, nhưng lại chưa đủ lớn để tạo ra phản ứng nhiệt hạch trong lõi như một ngôi sao thực sự.
Trong một bài đăng hôm 31/8, NASA đã chia sẻ cảnh quay "cực hiếm" về một trong những sao lùn nâu cổ xưa nhất từng được biết đến, có tên là WISE 1534–1043. Nó nằm cách Trái Đất chỉ 50 năm ánh sáng và đang di chuyển xung quanh dải Ngân Hà với tốc độ lên tới 200 km/s (gần 800.000 km/h), nhanh hơn bất kỳ ngôi sao lùn nâu nào khác.
WISE 1534–1043 cũng rất khác biệt, với độ sáng thay đổi ở các bước sóng ánh sáng khác nhau. Vật thể mờ nhạt ở một số bước sóng quan trọng, cho thấy nó đã nguội lạnh, nhưng lại phát sáng ở những bước sóng khác.
Dựa vào tốc độ và ánh sáng bất thường của thiên thể, các nhà khoa học ước tính nó có độ tuổi từ 10 đến 13 tỷ năm - gấp đôi tuổi trung bình của các ngôi sao lùn nâu đã biết, có nghĩa là nó hình thành trong thuở sơ khai của dải Ngân Hà.
"Không có gì ngạc nhiên khi tồn tại một ngôi sao lùn nâu già như vậy, nhưng thật bất ngờ khi nó được tìm thấy ngay trong dải Ngân Hà của chúng ta. Những vật thể cổ xưa này cực kỳ hiếm. Việc quan sát thấy WISE 1534–1043 ở gần hệ Mặt Trời có thể chỉ là may mắn, hoặc gợi ý rằng dải Ngân Hà có nhiều sao lùn nâu cổ xưa hơn so với suy nghĩ trước đây", nhà vật lý thiên văn Federico Marocco tại Viện Công nghệ California của Mỹ cho hay.
WISE 1534–1043 còn có biệt danh là The Accident (sự tình cờ) vì được phát hiện hoàn toàn nhờ may mắn. Nó "vô hình" trước các cuộc tìm kiếm sao lùn nâu thông thường và chỉ tình cờ được khám phá bởi một nhà khoa học công dân có tên là Dan Caselden dựa trên dữ liệu từ kính viễn vọng khảo sát hồng ngoại trường rộng NEOWISE của NASA.
Được phóng vào năm 2009, tàu vũ trụ WISE được đưa vào trạng thái ngủ đông năm 2011 sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính của nó, nhưng đến tháng 9/2013, NASA đã kích hoạt lại con tàu với mục đích chính là quét tìm các vật thể gần Trái Đất và sứ mệnh được đổi tên thành NEOWISE.
Đoàn Dương (Theo Daily Advent/NASA)