Sao lùn nâu còn được gọi là những ngôi sao "thất bại" bởi chúng nặng hơn hầu hết hành tinh nhưng lại chưa đủ lớn để tạo ra các phản ứng nhiệt hạch trong lõi như một ngôi sao thực sự. Sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng Không gian Spitzer, các nhà thiên văn học NASA cho biết đã xác định được thêm ba vật thể dưới sao như vậy và đặc biệt, chúng đang quay quanh trục với tốc độ nhanh hơn bất kỳ ngôi sao lùn nào từng biết đến.
Các thiên thể được đặt tên là 2MASS J0348−6022, 2MASS J1219-3128 và 2MASS J0407-1546 đều có kích thước tương đương sao Mộc nhưng nặng hơn gấp 40 - 70 lần. Chúng lần lượt nằm cách Trái Đất 29,66 và 119 năm ánh sáng, trong chòm sao Võng Cổ, Hậu Phát và Kim Ngưu.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học NASA Megan Tannock đã đo những thay đổi trong ánh sáng của sao lùn nâu gây ra bởi hiệu ứng Doppler và sử dụng một mô hình máy tính để tính toán tốc độ quay của chúng. Kết quả cho thấy ba thiên thể đang tự xoay quanh trục với tốc độ lên tới 360.000 km/h (100 km/s) và hoàn thành mỗi vòng quay chỉ trong một giờ.
Để so sánh, tốc độ này nhanh gấp 10 lần so với sao Mộc và nhanh hơn 30% so với ngôi sao lùn nâu quanh nhanh nhất được ghi nhận trước đó. Nó tiệm cận giới hạn tốc độ mà nếu vượt quá, thiên thể sẽ bị vỡ ra do lực hướng tâm, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
"Sẽ thật ngoạn mục nếu một ngôi sao lùn nâu quay nhanh đến mức hất văng bầu khí quyển của nó ra ngoài không gian, nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy vật thể nào như vậy", Tannock cho biết.
Mặc dù có kích thước và tốc độ quay như nhau, ba ngôi sao lùn nâu trong nghiên cứu lại chênh lệch đáng kể về nhiệt độ, bao gồm một nóng, một lạnh và một nằm ở khoảng giữa.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Astronomical Journal. Trong giai đoạn tiếp theo, Tannock cùng các cộng sự muốn thực hiện thêm các quan sát để tìm hiểu xem những ngôi sao lùn nâu quay nhanh nhất này có cơ chế "hãm phanh" tự nhiên nào hay không.
Đoàn Dương (Theo Space)