"Alo em? Còn tiền không, chuyển cho anh mượn 5 triệu". Chỉ một tin nhắn đơn giản, tưởng là người thân, chủ quan không kiểm tra kỹ, thời gian qua không ít người đã bị chiêu trò này qua mặt, lừa mất số tiền lớn.
Việc "hack" (đánh cắp) tài khoản mạng xã hội Facebook, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của tài khoản đó để mượn tiền là một chiêu trò cũ, đơn giản nhưng thời gian gần đây vẫn có rất nhiều người mắc bẫy. Trong số đó, tôi cũng từng là nạn nhân khi bị đánh cắp tài khoản thường xuyên.
Tôi năm nay 44 tuổi, còn nhớ khoảng năm ngoái, tôi nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người bạn thân với nội dung: "Chị nhờ ai chuyển mượn 5 triệu được không, thứ hai gửi lại cho".
Đồng thời, kẻ gian gửi số tài khoản để tôi chuyển tiền. Tôi còn gọi video xác minh nhưng vẫn bị qua mặt, dù tôi đã khá cẩn thận. Khi cuộc gọi được kết nối, người bạn đó chỉ xuất hiện trên màn hình 1-2 giây mà không nói gì (có thể kẻ gian sử dụng điện thoại quay màn hình ảnh nạn nhân đã lưu trước đó).
Sau đó, hắn nhắn tin với lý do đang bận, không thể nói chuyện. Thấy hợp lý, tôi đã chuyển tiền vào số tài khoản được gửi.
Cũng may, thời điểm đó tài khoản của tôi không có nhiều tiền, chứ nếu có hơn chắc cũng bị lừa hết. Sau đó, kẻ gian còn tiếp tục nhờ tôi mượn tiền từ người quen khác để chuyển thêm cho hắn.
Đến lúc này, tôi mới nghi ngờ, liên hệ với người thân của bạn thì mới biết tài khoản Facebook của bạn tôi đã bị hack. Người nhắn tin mượn tiền thực chất là kẻ gian, nhưng lúc đó đã quá muộn. Tôi vô cùng bức xúc và lập tức khóa tài khoản lại.
Theo quan điểm của tôi, để phòng tránh bị lừa trên mạng xã hội, mỗi người cần phải thật cẩn trọng khi nhận tin nhắn mượn tiền. Cách tốt nhất là gọi điện thoại trao đổi trực tiếp để xác nhận đúng người cần giao dịch.
Không cung cấp thông tin cá nhân như mã bảo mật, email, mật khẩu cho bất kỳ ai nếu không chắc chắn về danh tính của họ. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không thực hiện giao dịch.
Bên cạnh đó, không nên chuyển tiền vào tài khoản không chính chủ, vì đây là một cách để tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Ngoài ra, cần đặc biệt cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua hàng với giá rẻ bất thường (thấp hơn 30-50% so với giá thị trường). Đặc biệt, nếu đơn vị bán yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, tốt nhất là nên thanh toán trực tiếp nếu có thể.
Ngoài ra, khi có ai đó nhắn tin mượn tiền, tôi thường kiểm tra lại thông tin bằng cách liên lạc với người thân, bạn bè qua một kênh khác để xác minh. Đồng thời, tôi luôn kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất không nên thực hiện giao dịch.
Đối với các cuộc gọi tự xưng là đại diện ngân hàng, tôi luôn gác máy và gọi trực tiếp đến ngân hàng để xác nhận. Những cuộc gọi thoại hoặc video có chất lượng kém, chập chờn cũng là dấu hiệu để nghi ngờ tính xác thực của cuộc gọi.