U ác tính ở hắc mạc là một loại u hắc tố của nhãn cầu, phát triển từ các tế bào sắc tố. Trong cơ thể, sắc tố tạo nên màu sắc cho da, tóc và mống mắt. Các tế bào sắc tố có thể phát triển tạo thành khối u ở da, phát triển bên trong mắt hoặc trên kết mạc.
Một khối u hắc mạc có thể là nguyên phát, hoặc thứ phát khi u di căn từ các bộ phận khác trong cơ thể đến hắc mạc. U nguyên phát thường di căn theo đường máu đến gan, phổi, não, xương và dạ dày. Với u thứ phát, ở nữ thường xuất phát từ ung thư vú còn ở nam phổ biến nhất là từ ung thư phổi.
Các yếu tố nguy cơ làm phát triển khối u hắc tố gồm:
- Tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo như từ ghế nằm phơi nắng nhân tạo.
- Những người có mống mắt sáng màu (xanh dương hoặc xanh lá).
- Người lớn tuổi, người da trắng.
- Những người có một số tình trạng da di truyền, như các vết chàm bất thường.
- Người có sắc tố da bất thường liên quan đến mí mắt và tăng sắc tố trên màng bồ đào.
- Có nốt ruồi trong mắt hoặc trên bề mặt mắt.
Trong giai đoạn sớm, u hắc mạc có thể không gây triệu chứng gì, không thể tự nhận biết bởi phần lớn các u phát triển từ một phần của mắt không nhìn thấy được. Các triệu chứng trong giai đoạn sau có thể bao gồm nhìn mờ, nhìn hình méo mó hoặc xuất hiện điểm mù, cảm giác chói sáng, thay đổi hình dạng đồng tử.
Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết như siêu âm mắt, chụp mạch huỳnh quang, chụp hình màu đáy mắt, chụp cắt lớp võng mạc, chụp cộng hưởng từ, sinh thiết... để chẩn đoán bệnh.
Tiên lượng cũng như hướng điều trị phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng là mức độ xâm lấn và nguồn gốc khối u. Với khối nguyên phát, nếu u nhỏ và thị lực còn tốt thì quang đông và xạ trị là chủ yếu. Nếu u lớn lan tỏa thì khoét bỏ nhãn cầu, tùy vào tình trạng xâm lấn củng mạc để cân nhắc nạo vét tổ chức hốc mắt. Với khối thứ phát, chủ yếu là điều trị toàn thân bởi hiệu quả điều trị toàn thân có ảnh hưởng đáng kể tới khả năng bảo tồn thị lực của bệnh nhân.
Tỷ lệ tử vong của u hắc mạc ác tính có thể lên tới 50% bởi u thường di căn, đặc biệt là tới gan. Thời gian sống thêm trung bình của bệnh nhân nếu tiến triển di căn gan là 5 đến 7 tháng so với thời gian 18 tháng sống thêm của những vị trí di căn khác. Trường hợp u di căn hắc mạc thì tùy thuộc vào đáp ứng với điều trị toàn thân nhưng nhìn chung không mấy khả quan.
Vì tính chất nguy hiểm cùng với việc u hắc mạc thường không gây triệu chứng hay dấu hiệu sớm, do đó cần đi khám mắt thường xuyên để phát hiện cũng như điều trị bệnh kịp thời.
Bác sĩ Tăng Ngọc Anh
Khoa Mắt, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP HCM