Đau vùng răng hàm mặt hay đau dây thần kinh số 5 là triệu chứng khá phổ biến, hầu như ai cũng có thể bị đau vùng này ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân chính gây đau vùng răng hàm mặt thường là những bệnh lý lành tính thuộc chuyên khoa răng hàm mặt như sâu răng, răng khôn, răng ngầm, các bệnh nướu răng… Ít ai nghĩ nguyên nhân đau có thể do một số bệnh lý khá thường gặp thuộc chuyên khoa ung bướu.
Triệu chứng chung nhất của đau răng hoặc đau thần kinh số 5 do khối u là đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội như điện giật vùng nướu răng hoặc vùng hàm mặt. Tuy nhiên khi bệnh nhân đi khám bác sĩ nha khoa thì không phát hiện bất thường gì về răng hàm mặt. Có khi bệnh nhân nằng nặc yêu cầu nha sĩ nhổ gần hết cả hàm răng mà cũng không hết đau. Những trường hợp đó, nguyên nhân đau răng hàm mặt có thể do các bệnh lý ung bướu tại chỗ hoặc vùng lân cận gây đau trực tiếp hoặc gián tiếp.
Những nguyên nhân thường gặp
Ung thư nướu răng
Ung thư khoang miệng là loại ung thư khá phổ biến nhưng nếu xét riêng ung thư nướu răng thì tương đối hiếm gặp. Ghi nhận ung thư năm 2012 tại Mỹ có khoảng 26.700 ca và tại Việt Nam có 1.200 ca ung thư khoang miệng mới mắc, trong đó ung thư nướu răng chiếm tỷ lệ 13%.
Các chuyên gia răng miệng khuyến cáo nên khám miệng định kỳ mỗi năm một đến hai lần. Tuy nhiên nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa như ung bướu, răng hàm mặt, tai mũi họng nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào dưới đây kéo dài quá một tháng:
- Vết loét dai dẳng nướu răng.
- Xuất hiện những mảng đỏ hoặc trắng nướu răng.
- Đau răng không xác định được nguyên nhân.
- Đau răng hoặc răng lung lay dễ rụng.
- Chảy máu răng tự nhiên hoặc sau va chạm nhẹ như chải răng, nhai…
Do đặc điểm riêng về cấu trúc của vùng nướu răng, các tế bào ung thư nướu răng rất dễ và rất sớm xâm lấn vào xương hàm. Khi phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị tốn kém mà kết quả lại rất thấp, để lại nhiều khiếm khuyết vùng mặt. Thường thì giai đoạn này không còn khả năng phẫu thuật triệt để mà phải tiến hành nhiều chu kỳ hóa xạ trị. Muốn điều trị có kết quả thì phải phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tiền ung thư.
Tiên lượng sống còn 5 năm sau điều trị đối với giai đoạn 1,2 là 70-80%, giai đoạn 3,4 là 30-40%.
Cách phòng ngừa ung thư nướu răng
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Không nghiện hút thuốc lá, không nghiện rượu.
- Không nhai trầu, xỉa thuốc.
- Phòng ngừa HPV bằng văcxin, tránh tình dục đường miệng.
- Nên sử dụng nhiều rau xanh và trái cây nhiều tiền chất vitamin A, C và E.
- Sử dụng chất chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư.
- Khám và tầm soát răng miệng định kỳ.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Tỷ lệ ung thư vòm họng trong vùng dịch tễ khoảng 20-50 trong 100.000 dân, Việt Nam là một trong những nước nằm trong vùng dịch tễ này.
Dấu hiệu thường gặp:
- Ù tai, nghe kém.
- Nhức đầu, nghẹt mũi, chảy máu mũi.
- Viêm mũi xoang, viêm tai dai dẳng.
- Xuất hiện u cục vùng cổ không đau.
Dấu hiệu muộn:
- Tê bì vùng mặt.
- Nhìn đôi, sụp mi, khít hàm.
- Đau răng hoặc đau thần kinh số 5.
Đau thần kinh số 5 do khối bướu vùng vòm họng chèn ép nơi xuất phát của dây thần kinh sọ số 5. Mặc dù vùng răng hàm mặt không có tổn thương gì nhưng vẫn đau dữ dội. Lưu ý đây là dấu hiệu muộn hay giai đoạn trễ của ung thư vòm họng. Do đó khi có dấu hiệu này cần nội soi chẩn đoán loại trừ ngay ung thư vòm họng trước khi chẩn đoán đau thần kinh số 5 không rõ nguyên nhân.
Những điều cần lưu ý đối với ung thư vòm họng:
- Ung thư vòm họng khi phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao, giai đoạn 1,2 có thể chữa khỏi bệnh trong 5 năm đến 90%.
Tầm soát và phát hiện sớm ung thư vòm họng cần lưu ý:
Sử dụng văcxin phòng ngừa virut EBV trong vùng dịch tễ.
Trong gia đình có một thành viên bị ung thư vòm họng thì các thành viên còn lại nên tầm soát bệnh định kỳ mỗi 6-12 tháng/lần.
Hạn chế thực phẩm chứa chất nitrosamine như cá muối, thịt xông khói.
Tránh tiếp xúc với khói bụi hầm mỏ, ô nhiễm môi trường.
Vệ sinh răng miệng và hầu họng hằng ngày.
Các khối u khác thuộc hệ thần kinh
- U góc cầu tiểu não.
- U dây thần kinh số 8.
- U màng não, sọ hầu.
- Dị dạng mạch máu não.
Nguyên nhân gây nên đau vùng răng hàm mặt rất phức tạp. Để chẩn đoán chính xác, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như răng hàm mặt, thần kinh, ung bướu, tai mũi họng… Cần tiến hành chụp CT, MRI hoặc PET scan để xác định rõ bản chất của tổn thương trước khi tiến hành điều trị. Một số trường hợp không thể xác định được rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng
Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM