Một ngày đầu tháng 6, đoàn xe bọc thép Bradley lao ầm ầm trên những cánh đồng, hướng về ngôi làng ở tỉnh Zaporizhzhia, nơi lực lượng Nga đang cố thủ trong phòng tuyến. Trên những thiết giáp Mỹ hiện đại này là các binh sĩ thuộc Lữ đoàn 47 tinh nhuệ được huấn luyện ở phương Tây, phục vụ cho chiến dịch phản công của Ukraine.
Nhưng bất ngờ, một thiết giáp trong đoàn cán trúng mìn và đứt xích, khiến nó nằm bất động trên cánh đồng. Nhận ra đã tiến vào "cánh đồng chết", nơi lực lượng Nga đã rải vô số loại mìn, toàn bộ đoàn xe Ukraine nhanh chóng chuyển hướng và rút lui.
Ba tuần sau khi phát động chiến dịch phản công được mong đợi nhằm đẩy lực lượng Nga khỏi lãnh thổ, quân đội Ukraine đang vấp phải loạt thách thức, gây khó khăn đáng kể cho các kế hoạch của họ, trong đó, hóc búa nhất là những trận địa mìn mà đối phương giăng ra.
"Chỗ nào cũng bị gài mìn", trung úy Ashot Arutiunian, chỉ huy một đơn vị máy bay không người lái (UAV) Ukraine, nói. Từ camera trên UAV của mình, trung úy Arutiunian đã chứng kiến những xe thiết giáp hiện đại của phương Tây bị phá hủy vì trúng mìn chống tăng, trong khi nhiều đồng đội trở thành thương binh chỉ trong nháy mắt vì giẫm phải mìn chống bộ binh.
Nga gần đây công bố một video từ UAV cho thấy một phân đội tiến công Ukraine gần như bị vô hiệu hóa hoàn toàn vì bãi mìn ngay khi họ từ trên thiết giáp đổ quân xuống cánh đồng trước phòng tuyến Nga. Những quả mìn bướm, mìn chống bộ binh liên tiếp phát nổ khiến nhóm binh sĩ Ukraine bị loại khỏi vòng chiến mà chưa kịp nổ một phát súng nào.
Với kho dự trữ mìn khổng lồ, Nga đã biến những cánh đồng phía trước phòng tuyến dài hơn 1.000 km ở miền nam và miền đông Ukraine thành bãi mìn khổng lồ. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hồi đầu năm nói rằng Nga đã tạo ra "bãi mìn lớn nhất thế giới" ở nước này.
Giới chuyên gia ước tính khoảng 170.000 km vuông lãnh thổ Ukraine hiện bị cài mìn chống tăng hoặc mìn sát thương, gần gấp 6 lần diện tích của Bỉ.
"Chúng ta đang chứng kiến Nga rải mìn ở mức độ công nghiệp", Michael Newton, người đứng đầu tổ chức rà phá bom mìn thuộc chương trình HALO Trust của Ukraine, nói.
Theo báo cáo từ Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, lực lượng Nga sử dụng kết hợp cả mìn chống tăng và mìn sát thương trên các "cánh đồng tử thần". Chúng rất đa dạng, từ mìn TM-62 chỉ phát nổ khi xe tăng, thiết giáp chạy qua, đến loại PTKM-1R tiên tiến có khả năng tấn công đột nóc các loại phương tiện quân sự.
Những bãi mìn này là nỗi khiếp sợ với lính xe tăng Ukraine. Một số video đăng trên mạng xã hội Nga cho thấy xe tăng Leopard 2 và Bradley nằm bất động giữa cánh đồng, bánh xích văng ra xung quanh, dấu hiệu cho thấy chúng đã cán phải mìn khi quân đội Ukraine phản công.
Theo trang web Oryx chuyên tổng hợp tổn thất của cả Nga và Ukraine trong cuộc chiến, Ukraine đã mất ít nhất 16 thiết giáp Bradley, 4 xe tăng Leopard 2 và hai xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC trong 109 xe do phương Tây chuyển giao.
Giới chức quân sự phương Tây không chỉ quan tâm đến quy mô bãi mìn của Nga mà còn cả chiến thuật sử dụng chúng. Trái với quan niệm phổ biến từ trước tới nay, các bãi mìn không được bố trí nhằm ngăn người và phương tiện đi qua, mà để hướng đội hình đối phương đến một khu vực định sẵn, nơi pháo binh Nga sẵn sàng trút hỏa lực xuống.
"Chúng tôi gài mìn ở những khu vực nhất định, nhằm che chắn hai bên sườn, không để kẻ thù đột phá", một binh sĩ Nga cho biết trong video do Bộ Quốc phòng Nga đăng trên Telegram tháng trước.
Chiến thuật này dường như được quân đội Nga áp dụng rất hiệu quả.
"Trong một số trường hợp, lực lượng Ukraine vượt qua được cánh đồng nơi không bị cài mìn, áp sát phòng tuyến Nga. Khi đó, lính Nga chủ động rút lui khỏi vị trí phòng ngự. Ngay khi các binh sĩ Ukraine chiếm lĩnh trận địa, đạn pháo và tên lửa Nga dồn dập trút xuống đúng vị trí đó", Stephane Audrand, nhà tư vấn quân sự Pháp, giải thích.
Một quan chức quân sự Ukraine cho biết ở nhiều nơi dọc chiến tuyến, lực lượng của họ đang phải dừng tiến công để đánh giá lại xem chiến thuật nào là hiệu quả nhất.
"Họ đào hào cố thủ, cài mìn và chuẩn bị mọi thứ rất kỹ lưỡng", Yevhen, binh nhì thuộc một đơn vị cảnh sát bán quân sự Ukraine, cho hay. "Thật khó, nhưng không còn lựa chọn nào khác".
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 25/6 tuyên bố đợt phản công diễn ra ba tuần qua "là một số hoạt động chuẩn bị", chưa phải chiến dịch tấn công chính. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận lực lượng Nga "đã thiết lập những tuyến phòng thủ rất mạnh" và chiến dịch phản công đang "bị kỳ vọng quá mức".
Các bãi mìn thường rất khó phát hiện, kể cả bởi những người lính trên thực địa hay thông qua phân tích ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Nga gần như chắc chắn đã rải mìn dọc theo tuyến công sự phòng thủ của mình.
"Tính hữu dụng của những công sự này sẽ giảm đi đáng kể nếu chúng không được kết hợp cùng các bãi mìn", Pasi Paroinen, nhà phân tích thuộc Tập đoàn Black Bird, Phần Lan, cho biết.
Theo Matthew VanDyke, người sáng lập Sons of Liberty International, tổ chức có trụ sở tại Washington đã cử các cựu chiến binh Mỹ đến huấn luyện người Ukraine về gỡ mìn, có rất ít cách để xử lý bom mìn trong lúc chiến sự đang diễn ra.
"Các binh sĩ không thể có đủ thời gian để phát hiện và vô hiệu hóa mìn nếu liên tục bị đối phương bắn vào", ông nói. "Vì vậy, quy tắc chung là tránh chúng càng xa càng tốt".
Vũ Hoàng (Theo Moscow Times, Washington Post, Le Monde)