Thứ sáu, 13/12/2024
Thứ sáu, 2/9/2022, 08:31 (GMT+7)

Cánh cửa tri thức sau cổng trại giam

Thanh HóaNhiều phạm nhân chia sẻ tìm đến sách không chỉ để giải trí, mở mang hiểu biết mà còn để tâm tính ổn định, ôn hòa hơn sau những tội lỗi đã gây ra.

Mỗi phân trại của Trại giam số 5 (Bộ Công an, đóng tại tỉnh Thanh Hoá) đều dành khu nhỏ để làm thư viện. Tư liệu đọc gồm nhiều loại như: sách kỹ năng, bài học sống, tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp, trinh thám, sách lịch sử, báo, tạp chí và nhiều tuyển tập bài viết, tự truyện của chính phạm nhân.

Phạm nhân có thể mượn sách đọc ngay tại thư viện hoặc đăng ký với người phụ trách để được mang về phòng. Với số phạm nhân hơn 660, mỗi ngày tại thư viện có khoảng 70 lượt mượn sách, lên gần 100 lượt vào dịp cuối tuần.

Theo chia sẻ của người phụ trách, nhiều phạm nhân tìm đến thư viện mỗi ngày dù chỉ vài phút để tranh thủ đọc và cập nhật tin tức báo chí.

Tại phân trại 1, thư viện đặt trong khuôn viên lớp học xóa mù chữ, trở thành nơi phạm nhân hỗ trợ nhau học tập. Cán bộ quản giáo đang giải thích cho một phạm nhân cách đánh vần và nghĩa của một từ khó.

Những phạm nhân đã có kỹ năng đọc tốt tập trung ở khu vực khác. Nhiều người trong số họ thừa nhận trước khi vào trại, loại hình giải trí chủ yếu là lướt điện thoại, dùng mạng xã hội, xem video... và "rất lâu không cầm đến một quyển sách".

"Ban đầu nhìn thấy sách nhiều chữ cũng rất ngại, chỉ chọn những quyển mỏng, nhiều màu, nhiều tranh, nhưng lâu dần trở thành thói quen, vừa mở mang đầu óc, vừa giáo dục tâm tính", một phạm nhân 28 tuổi chia sẻ.

Anh nói đây là lần đầu tiên trong đời đọc một cuốn sách phổ biến luật pháp và các địa điểm du lịch của Việt Nam. "Nhất định em sẽ cải tạo tốt và khi ra tù sẽ đến thăm cả bốn điểm cực Tổ quốc", phạm nhân này chia sẻ.

Tại phân trại số 4 dành cho phạm nhân nữ, tủ sách có thêm các đầu sách nữ công gia chánh, chăm sóc sức khỏe, gương tốt, truyện kể, giai thoại về các nữ anh hùng, danh nhân...

Phạm Thị Hà, 39 tuổi (phải) quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, bị phạt 2 năm 6 tháng tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chiếm đoạt 75 triệu đồng của người cùng buôn phế liệu. Hà nhập trại từ tháng 4/2021.

Chị cho biết sinh ra trong gia đình trí thức, bố mẹ đều là cán bộ về hưu, từ nhỏ đã là ham học, do suy nghĩ bồng bột nên vướng lao lý. "Những ngày cải tạo trong này, công việc lao động, sản xuất mệt mỏi không làm khó mình nhưng ân hận đau đớn vô cùng vì làm ảnh hưởng các con và bố mẹ già hơn 80 tuổi", nữ phạm nhân nói.

Loại sách chị hay chọn là những bài học sống, tấm gương hiếu thảo. Thời gian đọc sách cuối tuần tại thư viện giúp nhẹ lòng, thoải mái hơn, giúp tâm tính ổn định hơn, Hà chia sẻ.

Cuốn Lời xin lỗi muộn màng là lựa chọn của phạm nhân Nguyễn Thu Hà, 25 tuổi, đang trong năm thứ ba của án phạt 5 năm tù vì tội danh liên quan ma túy. Cuốn sách tập hợp nhiều lá thư phạm nhân cả nước gửi về cho gia đình, viết trong thời gian cải tạo.

Hà nói là con gái út trong gia đình, sống tình cảm và cũng thường xuyên viết thư về gửi bố mẹ nên tìm được sự đồng cảm trong những trang sách.

Thông tư liên tịch số 02/2012 của Bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo quy định, ngoài thời gian lao động, học tập, phạm nhân được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, đọc sách, báo.

Tại các phân trại của trại giam lập thư viện, bố trí tủ đựng sách, báo; trang bị bàn, ghế, tủ đựng sách, máy vi tính, các loại sách, báo, ấn phẩm khác phục vụ nhu cầu đọc sách, báo và giải trí cho phạm nhân.

Thời gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí của phạm nhân là người chưa thành niên được tăng gấp hai lần so với phạm nhân là người đã thành niên.

Ngọc Thành - Phạm Dự - Thanh Lam

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về phapluat@vnexpress.net