Tôi chưa từng một lần được đặt đôi chân vẫn chưa ráo phèn, vác chiếc ba lô hãy còn ám màu bụi đường của mình đến đất nước của xứ sở Kiwi. Điều an ủi là tôi được “du lịch” và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước xinh đẹp qua rất nhiều những cánh thư, tấm ảnh chụp và những chiếc bưu thiếp nhỏ xinh, chứa chan tình cảm của những người bạn từ “một đất nước hai hòn đảo” xa xôi.
Ký ức thời sinh viên
Ngày ấy, tôi là một cô gái 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai đại học. Dịp cuối tuần, khi các bạn cùng ký túc xá, các cô gái cùng lứa bắt đầu hò hẹn, thì tôi lại tất bật với công việc làm thêm tại một quán ăn gần bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ để có thể tiết kiệm thêm khoảng tiền giúp ba mẹ ở quê. Như một sự sắp đặt, cũng tại quán ăn ấy, tôi quen được đôi vợ chồng vừa về hưu từ New Zealand sang du lịch. Với vốn tiếng Anh khá ổn so với các anh chị khác, tôi thường được đôi vợ chồng tìm đến để hỏi các thông tin cần thiết phục vụ cho chuyến tham quan của họ tại Việt Nam.
Những lần trao đổi với cặp vợ chồng người New Zealand trong thời gian họ ở Cần Thơ đã mang đến cho tôi những người bạn thật tuyệt vời. Ngày họ chia tay để đi tham quan đảo Phú Quốc, trước khi khám phá hành trình dọc miền trung rồi lên vùng đất địa đầu của tổ quốc ở Hà Giang, họ tặng tôi những cánh bưu thiếp xinh xắn, có in hình chú chim Kiwi bệ vệ, cùng với các hình ảnh dãy núi có băng bao phủ, hồ nước trong vắt đến mê người. Một chút bối rối, một chút xúc động, tôi lí nhí cảm ơn và không quên hẹn ngày tái ngộ.
Thời đó, vì chưa có điều kiện được “tung tăng” nhiều nơi nên tôi đành gửi ước mơ vào những cánh bưu thiếp ngộ nghĩnh, đáng yêu và chất chứa bao kỷ niệm. Khi hai người về nước, chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc qua những cánh thư. Họ không rành lắm về Internet để có thể gởi email và cũng muốn gửi gắm tình cảm yêu thương qua từng dòng chữ nắn nót chứ không phải chữ đánh máy khô khan. Nhờ vậy mà khả năng ngoại ngữ của tôi dần được cải thiện. Những cánh thư, tấm bưu thiếp của cô chú trở thành một cầu nối văn hóa cho không ít người Việt Nam chưa một lần đặt chân đến xứ sở Kiwi và biết đến New Zealand như tôi. Những tấm bưu thiếp với hình ảnh về một xứ sở cách xa Việt Nam và dòng chữ nghiêng nghiêng của cô chú đã vượt đường xa đến với tôi đều đặn, nhất là những dịp lễ Tết, chứa đựng biết bao tình cảm của những con người đáng kính.
Ấn tượng với New Zealand
Tôi tìm đọc rất nhiều bài báo, sách để thêm cho mình chút hiểu biết. Tôi ngạc nhiên, thích thú khi biết mảnh đất xinh đẹp này được thủy thủ người Hà Lan là Abel Tasman tìm thấy. Năm 1642, bờ biển New Zealand hiện ra trong tầm mắt của Abel Tasman và ông đã gọi là “Zeeland” ( Sea land) theo lối phát âm của tiếng Hà Lan. Sau đó, thuyền trưởng nổi tiếng James Cook từng lui tới tổng cộng 4 lần trong khoảng thời gian từ 1769-1777, dong buồm qua những khu vực này và phác thảo tấm bảng đồ New Zealand đầu tiên.
Nhắc đến New Zealand, người ta thường nghĩ đến vùng đất với hàng vạn con cừu. Số lượng cừu ở đây có khoảng 60 triệu con, lớn gấp 15 lần dân số của nước này. Ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tôi về “một quốc gia hai hòn đảo” đó là đây là một trong những nước đi tiên phong trong vấn đề bình đẳng giới và chăm lo cho phụ nữ. Trong lịch sử phát triển, New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ đi bầu cử vào năm 1893. New Zealand là quốc gia dành nhiều vị trí quan trọng do phụ nữ nắm quyền, tiêu biểu như nữ hoàng Elizabeth II, cựu thủ tướng Helen Clark hay cựu giám đốc điều hành của Telecom New Zealand, bà Theresa Gattung…
Hội ngộ bất ngờ nơi đất khách
Những người bạn đáng kính từ New Zealand chính là nguồn cảm hứng và động lực để tôi cố gắng vượt qua chướng ngại về tiếng Anh, thắp lên khát vọng được đi du học để làm việc tốt hơn, cũng để trải nghiệm nhiều hơn. Ra trường, đi làm, lao vào mưu sinh cơm áo gạo tiền, đôi lúc tôi quên bẵng những mơ ước ấy. Thế rồi, những buổi đêm, tôi miệt mài bên quyển từ điển và không quên nguyện cầu cho ước mơ của mình là tìm kiếm một suất học bổng và đặt chân đến chân trời mới.
Sau nhiều lần nộp đơn ở vài nơi và rèn luyện tính kiên nhẫn, tôi thử vận may tìm kiếm học bổng phát triển của New Zealand và Australia. Tôi may mắn được sang Australia du học theo chương trình học bổng phát triển của đất nước này dành cho Việt Nam. Lòng tôi luôn tri ân hàng xóm lân cận của New Zealand là Australia, tâm hồn vẫn cứ mãi gởi theo ước nguyện, rồi sẽ có ngày tôi từ Australia vượt đại dương sang thăm những cung đường đầy tuyết trên rặng Cook (Mount Cook) hay Southern Alps.
Năm 2012 tôi du học ở Australia, đất nước có quan hệ truyền thống gần gũi cũng như có nhiều chính sách, phong tục tập quán khá tương đồng với New Zealand. Thời gian ở đây, lòng tôi vẫn không thôi mơ ước được một lần đặt chân đến New Zeland để được khám phá Wellington, Auckland, rồi Christchurch thăm lại những người bạn tri kỷ phương xa, để cùng “đi rong” với những người bạn, người em cùng “toát mồ hôi” đến “căng đầu” với tôi trong quãng thời gian học ngoại ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi đi du học.
Một ngày giữa tháng 9/2013, tôi nhận được cánh thư và tấm bưu thiếp của những người bạn từ New Zealand đáng kính. Họ nói rằng họ sắp có chuyến thăm đến Australia và sẽ đến Adelaide, nơi tôi đang theo học. Vì chuyến thăm rơi vào kỳ nghỉ giữa kỳ nên tôi có dịp trổ tài làm hướng dẫn viên cho họ tại các nhà bảo tàng, địa điểm tham quan nơi tôi sinh sống và học tập. Sau gần 10 năm mới có dịp hội ngộ nhau nơi đất khách, những câu chuyện và lời hỏi thăm rôm rả như không dứt.
Chia tay với bao bịn rịn, bao lưu luyến, ai cũng lén lao vội dòng nước mắt hẹn ngày gặp lại. New Zealand với tôi là cả một trời ký ức, kỷ niệm từ thời sinh viên, là động lực để tôi phấn đấu. Khi viết bài chocuộc thi New Zealand – Chân trời mới, sao bỗng chốc tôi thấy chữ nghĩa đi đằng nào hết, chỉ còn lại là niềm thương thấm thía và một niềm hy vọng sẽ có một ngày nếu đủ duyên, tôi sẽ lại được hội ngộ những người bạn của mình tại đất nước New Zealand hiền hòa, xinh đẹp.
Nguyễn Thị Hồng Chi