Balochistan là vùng đất lịch sử ở Tây Nam Á, nằm ở rìa đông nam cao nguyên Iran, tiếp giáp với tiểu lục địa Ấn Độ và biển Arab. Đây là khu vực sinh sống lâu đời của người Baloch và hiện được chia thành ba khu vực thuộc về ba quốc gia, gồm tỉnh Balochistan của Pakistan, tỉnh Sistan - Baluchestan của Iran và vùng miền nam Afghanistan.
Do những biến cố phức tạp trong lịch sử cũng như những diễn biến mới trong căng thẳng địa chính trị hiện nay ở Trung Đông, đường biên giới dài 900 km phân cách hai tỉnh Balochistan của Pakistan và Sistan - Baluchestan của Iran đang trở thành mồi lửa mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng, với đỉnh điểm là các cuộc không kích vào mục tiêu trên lãnh thổ của nhau giữa hai bên.
Cả Tehran lẫn Islamabad đều tuyên bố nhắm mục tiêu là phiến quân đang ẩn náu trên lãnh thổ nước kia, thực trạng đã kéo dài hai thập kỷ qua, khiến đường biên giới Iran - Pakistan hiếm khi yên bình.
Iran là bên nổ phát súng đầu tiên khi mở cuộc không kích ngày 16/1 vào tỉnh Balochistan, khiến hai trẻ thiệt mạng và nhiều người bị thương, theo thông cáo từ Islamabad. Tehran khẳng định họ "chỉ nhắm vào các phần tử khủng bố Iran đang hoạt động trên lãnh thổ Pakistan" và không nhắm vào công dân nước láng giềng.
Tasnim, trang tin thân chính phủ tại Iran, xác định mục tiêu đòn tập kích là thành trì của nhóm phiến quân Jaish al-Adl (Quân đoàn Công lý). Đây là lực lượng vũ trang Hồi giáo theo dòng Sunni, đòi ly khai cho tỉnh Sistan - Baluchestan và đứng sau nhiều vụ khủng bố ở Iran.
Lực lượng này đã tấn công đồn cảnh sát tại Sistan - Baluchestan vào tháng 12/2023 khiến 11 cảnh sát thiệt mạng. Hôm 17/8, một ngày sau đòn tập kích của Iran, nhóm Jaish al-Adl tiếp tục tấn công xe quân sự trong vùng Sistan-Baluchestan.
Pakistan dường như bất ngờ với cuộc tập kích của Iran và ban đầu chỉ phản ứng qua kênh ngoại giao. Bộ Ngoại giao Pakistan chỉ trích Tehran "hành động đơn phương và đi ngược lại tôn chỉ láng giềng hữu nghị, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin song phương".
Nhưng hai ngày sau, quân đội Pakistan tiến hành chiến dịch "tập kích bằng vũ khí tinh vi và chính xác" vào nơi ẩn náu của các phần tử ly khai Pakistan tại tỉnh Sistan - Baluchestan của Iran.
Một số nguồn thạo tin cho hay chính phủ Pakistan đã chịu sức ép lớn từ quân đội, đòi hỏi phải tung đòn đáp trả tương xứng với vụ tấn công hai ngày trước từ Iran. Chính phủ Pakistan lập luận họ buộc phải tự giải quyết mối đe dọa an ninh, sau nhiều năm phản ánh với Iran về tình trạng phiến quân ly khai ẩn náu trên lãnh thổ nước láng giềng nhưng không thu được kết quả nào đáng kể.
"Căng thẳng giữa Iran và Pakistan chủ yếu bắt nguồn từ cách thức ứng phó với các nhóm phiến quân trong khu vực. Một số nhóm khủng bố ở Iran như Jundullah, Jaish-ul Adl và Harakat Ansar đang lẩn trốn ở Pakistan. Những nhóm này đứng sau nhiều vụ khủng bố và bắt cóc ở đông nam Iran, luôn bỏ trốn sang Pakistan sau mỗi đợt tấn công", Mohammad Salami, chuyên gia thuộc Viện Quốc tế về Phân tích Chiến lược Toàn cầu (IIGSA) ở Islamabad, phân tích.
Các nhóm vũ trang ly khai người Baloch là mối lo ngại an ninh chung của Tehran lẫn Islamabad trong nhiều thập kỷ qua. Cộng đồng Baloch sống tập trung ở ngã ba biên giới Pakistan - Afghanistan - Iran, khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu đầu tư phát triển. Bất bình đẳng kinh tế và xã hội biến khu vực thành mảnh đất màu mỡ cho các phong trào ly khai trỗi dậy.
Phiến quân ly khai Baloch đứng sau nhiều vụ tấn công đẫm máu ở Balochistan trong vài năm qua, chống lại vai trò độc quyền của chính phủ Pakistan trong khai thác tài nguyên và khoáng sản. Trong khi đó, tổ chức Jaish al-Adl là mối đe dọa thường trực với an ninh quốc gia Iran. Nhóm chủ yếu tấn công khủng bố nhắm vào lực lượng an ninh Iran, quan chức chính phủ và dân thường Hồi giáo dòng Shiite.
Năm 2019, Jaish al-Adl thừa nhận đứng sau vụ đánh bom tự sát nhắm vào xe buýt chở lính ở Sistan-Baluchestan khiến ít nhất 23 người chết. Trong vụ tấn công khiến 8 lính biên phòng Iran thiệt mạng vào năm 2015, Tehran cáo buộc các thành viên Jaish al-Adl xâm nhập từ Pakistan.
Tuy nhiên, chính quyền hai nước không hợp tác nhằm giải quyết triệt để mối đe dọa chung, chỉ trấn áp những hoạt động ly khai trên lãnh thổ của mình. Giới chức Iran lẫn Pakistan có xu hướng làm ngơ các nhóm vũ trang Baloch khi họ thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở bên kia biên giới, miễn là không đe dọa an ninh nước mình.
"Chính phủ hai nước đều cần thỏa hiệp và duy trì lòng trung thành của các bộ tộc người Baloch trong khu vực. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra áp lực an ninh chính trị đáng kể cho nước láng giềng và làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ song phương", Mohammad Salami giải thích.
Iran năm 2014 từng triển khai 30 biệt kích vượt qua biên giới vào Pakistan để truy lùng thành viên Jaish Al-Adl. Họ đụng độ với biên phòng Pakistan và khiến một quân nhân Pakistan thiệt mạng. Căng thẳng chỉ hạ nhiệt sau khi lãnh đạo quân đội hai nước thảo luận các biện pháp chia sẻ thông tin biên giới, kêu gọi báo trước kế hoạch truy lùng phiến quân cho nước láng giềng.
Giới chức Tehran nhiều năm cáo buộc chính quyền Pakistan không đủ năng lực kiểm soát hoặc cố tình làm ngơ tình trạng phiến quân ẩn náu ở Balochistan tấn công qua biên giới vào Iran. Một số quan chức Iran thậm chí cáo buộc vài phe nhóm trong chính quyền Pakistan "cố tình che chở và hỗ trợ" phiến quân chống Tehran.
Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Iran Mohammad Bagheri năm 2017 từng cảnh báo nếu Pakistan không kiểm soát các nhóm vũ trang Baloch tại nước này, Iran sẽ truy lùng nhóm phiến quân "đến tận mọi hang ổ, dù ở bất kỳ đâu".
Pakistan luôn bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng Iran mới là nước đang bao che cho khủng bố. Tháng 1/2022, một nhóm người Baloch tấn công chốt an ninh ở Balochistan khiến 10 quân nhân Pakistan thiệt mạng. Islamabad cho rằng các phần tử khủng bố này được Tehran hậu thuẫn.
Một tháng sau, khi tướng Iran Ahmad Ali Goudarzi đến Islamabad để đàm phán hạ nhiệt căng thẳng, quan chức Pakistan lặp lại nhận định phiến quân Baloch đang ẩn náu ở nước láng giềng. Islamabad cảnh báo họ sẵn sàng "hành động quyết đoán" nếu có thêm bất kỳ vụ tấn công nào nhắm vào Pakistan.
Theo giới quan sát, Iran và Pakistan trong hai thập niên qua luôn cố gắng kiểm soát các sự cố dọc biên giới hai nước, chấp nhận tình trạng "thù địch trong vòng kiểm soát" và giới hạn các sự cố an ninh trong phạm vi hai tỉnh giáp biên.
Dù vậy, những cuộc không kích ăn miếng trả miếng lần này vẫn khiến dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt lo ngại, vì Tehran lẫn Islamabad không cảnh báo trước cho đối phương.
Nỗi lo phần nào được xoa dịu khi Ngoại trưởng hai nước ngày 19/1 điện đàm, bày tỏ mong muốn hạ nhiệt căng thẳng. Nhưng trong bối cảnh tình hình Trung Đông có nhiều diễn biến khó đoán, vẫn tồn tại nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang xung đột giữa hai cường quốc quân sự ở khu vực.
Thanh Danh (Theo CNN, BBC, Gulf International Forum)