Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2001, Cảng Phú Định là một dự án trọng điểm được xây dựng từ tại ngã ba sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm (Bến Lức, Long An) và kênh Đôi (phường 16, quận 8, TP HCM).
Với kinh phí xây dựng gần 400 tỷ đồng phần lớn là từ nguồn vốn ngân sách, ngày 27/9 cảng sông Phú Định được đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Hiện cảng Phú Định đưa vào khai thác diện tích 10 ha với 11 cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu 500 tấn, sà lan 1.000 tấn.
Cầu cảng đề ghe thuyền cập bến cảng sông Phú Định. Ảnh: Hữu Công. |
Dự kiến, cảng sau khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút tàu, thuyền từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cập bến để vận chuyển hàng hóa vào TP HCM. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnExpress.net, sau ngày khánh thành với nhiều cờ hoa và băng rôn, cảng Phú Định đang rơi vào khung cảnh khá đìu hiu vì vắng khách.
Chủ một chiếc thuyền đang neo đậu trong bến cho biết ngoài chuyện phải mất một khoản tiền đóng phí khi cho thuyền neo đậu ở cảng, thì các tuyến sông dẫn vào khu vực cảng quá hẹp, nước cạn nên các tàu lớn không thể ra vào để neo đậu được.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Giám đốc công ty TNHH Phú Quang cho biết, nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi vì có dự án xây dựng cảng, với năng suất lớn nhiều tàu bè có thể dễ dang cập bến. Nhưng hiện đường Hồ Học Lãm bị cấm xe tải trên 2,5 tấn lưu thông vào ban ngày, thêm nữa mặt đường khá nhỏ hẹp lại đang bị xuống cấp, hư hỏng khiến xe tải gặp khó khăn để vào cảng chở hàng, chỉ có thể vào lấy hàng ban đêm.
Trao đổi với VnExpress.net, Ông Trần Hoà Lan, Giám đốc công ty cảng sông TP HCM, thừa nhận chuyện cảng đang ế ẩm là có thật và chuyện này không chỉ sau ngày khánh thành mà Ban điều hành cảng sông đã nhận thấy ngay từ những ngày đầu mới mở cửa cảng cho ghe thuyền ra vào.
Cảng Phú Định mới đưa vào hoạt động nhưng rất ít ghe thuyền ra vào vì bị nhiều bến "cóc" cạnh tranh. Ảnh: Hữu Công. |
Theo ông Lan, sở dĩ tàu cập cảng còn chưa nhiều và không có tàu lớn vì vướng một số khó khăn trước mắt. Chẳng hạn như tuyến đường bộ từ cảng vào trung tâm thành phố đang bị hạn chế lưu thông, cụ thể là đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ quốc lộ 1A đến Hồ Ngọc Lãm) cấm xe tải từ 6 đến 21h mỗi ngày. Vì vậy, người ta chỉ đến được cảng để lấy hàng vào ban đêm nên cảng chưa thể phát huy được hiệu quả.
Ngoài ra, trên tuyến sông này còn rất nhiều bến “cóc” không đủ tiêu chuẩn, được làm bằng các cây dừa, cừ không đảm bảo an toàn vẫn đang hoạt động. Ngay trong dịp tết vừa qua, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, cảng sông Phú Định đã mở rộng cửa, sẵn sàng đón tàu, ghe ra vào, đặc biệt là những tàu ghe chở hàng phục vụ tết, song hầu như không có tàu ghe nào vào mặc dù cảng nằm ở vị trí khá đắc địa, đối diện chợ đầu mối Bình Điền. Nguyên nhân chính là do các bến “cóc” hút hết ghe thuyền.
Cũng theo ông Lan, dọc đường Trần Văn Kiểu, Đại lộ Đông Tây vẫn còn tồn tại nhiều kho bóc xếp hàng của tư nhân vẫn đang hoạt động cũng góp phần làm giảm lượng ghe thuyền vào cảng.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi lên UBND TP HCM, Sở Giao thông vận tải TP HCM đề nghị dẹp những bến cóc này. Riêng việc mở rộng các nhánh sông, nạo vét lòng sông chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần”, ông Lan cho hay.
Mất hơn 10 năm đầu tư xây dựng để có được 1 cảng sông Phú Định với năng lực bốc xếp trên 2,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đúng theo quy hoạch của thành phố và cảng đang bắt đầu khai thác năng lực đầu tư giai đoạn 1 để đáp ứng hàng hóa lưu thông từ miền tây lên TP HCM và vùng trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, một trục đường để vận chuyển hàng hóa ra vào cảng với trọng tải bị hạn chế và chưa được nâng cấp như hiện nay, cộng với các nhánh sông nhỏ hẹp và quá cạn khiến tàu bè khó khăn ra vào cho thấy thiếu sự đồng bộ trong đầu tư cảng sông Phú Định ngay từ đầu.
Hữu Công