Trao đổi với báo chí mới đây, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoài quốc doanh - VPBank Lê Đắc Sơn nói thẳng với lãi suất cho vay 21% mỗi năm, ngân hàng không thể có lãi. Bản thân VPBank đã phải chủ động tiết giảm dư nợ, từ mức 15.900 tỷ đồng tháng 2 xuống còn 14.900 tỷ vào tháng 6. Dự kiến đến hết tháng 9, con số này chỉ vào khoảng 14.000.
"Chúng tôi biết giảm tín dụng là động chạm trực tiếp tới doanh nghiệp và khách hàng vay tiêu dùng. Nhưng bây giờ đành chọn mục tiêu an toàn là trên hết", ông Sơn nói.
Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Xăng dầu PG Bank Nguyễn Quang Định chia sẻ quan điểm này. Thanh khoản tại PG Bank không đến nỗi khó khăn, do nguồn tiền gửi của doanh nghiệp và tiền gửi không kỳ hạn khá ổn định. Lãi suất huy động của PG Bank cao nhất cũng chỉ là 18,7%, ở mức trung bình khá so với mặt bằng. Tuy nhiên, theo ông Định, PG Bank cũng đang cân nhắc điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận do những khó khăn chung của thị trường.
Ngay như ông lớn BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) cũng chẳng sung sướng gì trong bối cảnh hiện nay. Lợi nhuận trước thuế tính đến cuối tháng 7 chỉ đạt 40% kế hoạch năm. Sau 2 lần giảm nhẹ lãi suất để hỗ trợ khách hàng truyền thống vừa qua, BIDV dự tính doanh thu cả năm sẽ ngót gần 500 tỷ đồng.
Ngân hàng tự làm khó mình sau cuộc đua lãi suất. Ảnh: PV |
Lãi suất cho vay bị khống chế ở mức 21% một năm, giới kinh doanh ngân hàng tính toán, lãi suất huy động chỉ nên ở mức 15% mới nghĩ tới chuyện có lợi nhuận. Trong khi đó, mức huy động thấp nhất hiện nay trên toàn hệ thống cũng phải trên dưới 17%.
Theo quy định, sau khi huy động từ dân cư và doanh nghiệp, các ngân hàng phải trích 11% để dự trữ bắt buộc (đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng). Số tiền này được gửi ở Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước với lãi suất khiêm tốn 1,2% một năm. Chưa hết, họ còn phải mua tín phiếu bắt buộc với lãi suất thấp hơn nhiều lãi huy động từ dân cư. Chỉ tính sơ sơ hai khoản này, mảng tín dụng hầu như không còn lời lãi gì nữa.
Thời gian qua, các ngân hàng vẫn đau đầu tìm lời giải cho bài toán lãi suất. Không tăng lãi suất huy động sẽ không đảm bảo thanh khoản, lại mất khách hàng. Nhưng nếu tăng đầu vào trong bối cảnh đầu ra bị khống chế, họ dường như đang phải tự chặt tay mình.
Nếu như mọi năm các ngân hàng hào hứng khoe báo cáo 6 tháng, nhưng nay họ không những ngại công bố mà còn rất e dè mỗi khi có ai hỏi tới. Một số trường hợp công bố có lãi, song phần đa phần đều là kết quả lũy kế từ quý đầu năm.
Ngay từ cuối năm ngoái, khi các ngân hàng còn đang hân hoan với thành tích kinh doanh vượt bậc của mình, những khó khăn đã bắt đầu le lói. Từ tháng 12/2007, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) có dấu hiệu tăng nhanh và gần bằng lãi suất kỳ hạn dài. Trong ba tháng đầu năm nay, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng đã vượt qua lãi kỳ hạn 12 tháng.
Rủi ro thanh khoản xảy ra khi cung về tiền ít hơn cầu về tiền. Khi đó, ngân hàng đứng trước nguy cơ không đủ tiền đáp ứng các khoản phải trả khi đến hạn hoàn trả, hoặc vì một biến cố nào đó mà khách hàng rút tiền ào ạt. |
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán EuroCapital, đây là một tín hiệu bất ổn về sự bất cân đối nguồn và tài sản của các ngân hàng. Trong điều kiện ổn định, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn thường thấp hơn kỳ hạn dài.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Khi cơn bão tín dụng từ Mỹ tràn qua các châu lục tới Việt Nam, cũng là lúc các ngân hàng trong nước đối mặt với nguy cơ thiếu hụt thanh khoản. Vốn khả dụng càng bị đe dọa khi chính sách tiền tệ liên tục được thắt chặt hơn trước. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được tăng gấp đôi lên mức 10% từ giữa năm ngoái, và tiếp tục dâng lên thành 11% kể từ đầu năm nay, khiến chi phí vốn của các ngân hàng càng bị đội lên.
Tháng 2/2008, Ngân hàng Nhà nước bán 20,3 nghìn tỷ đồng tín phi ếu bắt buộ c cho 41 ngân hàng thương mại. Quyết định này được đưa ra nhằm hút tiền từ lưu thông, từ đó giúp giảm áp lực lạm phát, song thanh khoản của các ngân hàng tiếp tục bị đe dọa.
Những ngân hàng mới ra đời có thể thoát được mối lo nợ xấu. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Quả là phù phiếm khi nói tới chuyện lỗ hay lãi vào thời điểm này. Nó chẳng qua chỉ là lớp son phấn trên khuôn mặt người con gái. Đến thời điểm đáo hạn nợ, khó khăn lộ rõ nét hơn. Nợ xấu mới chính là nỗi ám ảnh với giới kinh doanh ngân hàng", Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần buồn rầu nói.
Chi phí đầu vào đội lên, kể từ quý II, tất cả các ngân hàng đều ngừng cho vay với khách hàng mới, chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn hàng cũ một cách thận trọng. Tuy nhiên, đeo đẳng trên vai họ là lượng tín dụng phát triển một cách bùng nổ trong năm 2007. Theo số liệu do Công ty Chứng khoán EuroCapital công bố trong báo cáo mới đây, tín dụng của khối ngân hàng cổ phần năm ngoái tăng trên 80%. Không ít trường hợp tăng trên 100%. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng rất nóng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tiêu dùng cá nhân và chứng khoán.
Hiện tại, thị trường bất động sản đìu hiu, nhiều dự án xây dựng đình trệ, trong khi thị trường chứng khoán suy giảm hơn một nửa. Ngân hàng sẽ đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng cao, nhiều dự án kém hiệu quả khó thu hồi vốn.
Rủi ro tín dụng thậm chí còn đến từ nhóm khách hàng thường ít phát sinh nợ xấu. Do lãi suất tăng cao và tăng nhanh, tâm lý của một số khách hàng là thà chịu phạt 150% lãi suất thay vì vay mới với lãi suất cao hơn (những trường hợp vay trước 2008, lãi suất thường thấp hơn 12%, nếu cộng thêm lãi suất phạt vẫn thấp hơn hiện nay). Một số khách hàng sợ nếu trả nợ xong thì cũng chưa chắc vay được tiếp.
Hạ lãi suất huy động là giải pháp đang được nhiều ngân hàng nghĩ tới trong mấy ngày gần đây. Hai cuộc họp ở hai miền của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng diễn ra cuối tuần trước và đầu tuần này đã đề cập tới vấn đề đó. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn thăm dò động thái của nhau trước khi ra quyết định, bởi sợ mất khách hàng.
Một số ông chủ nhà băng định đề xuất Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc nhằm tiết giảm chi phí đầu vào.
"Khi chi phí đầu vào giảm xuống, chúng tôi mới có cơ hội chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình bằng cách giảm lãi suất cho vay. Doanh nghiệp mong muốn lãi suất giảm để vay vốn làm ăn. Chúng tôi cũng mong như thế, thậm chí còn hơn thế nhiều lần", một ông chủ nhà băng ở Hà Nội tâm sự.
Song Linh