Nội dung nêu trong Đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM để trình Thủ tướng. Đề án khi được duyệt sẽ là cơ sở để đầu tư cảng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo.
Cảng trung chuyển ở Cần Giờ dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 teus) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất. Công trình được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi, thuộc cửa sông Cái Mép, tổng vốn 5,45 tỷ USD. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.
Nguồn thu 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm được tính toán sơ bộ khi dự án cảng đầu tư hoàn chỉnh đạt công suất thiết kế vào năm 2045. Nguồn này lấy từ các khoản thuế hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại phí hàng hải, thuê mặt nước...
Ngoài ra, theo đề án, cảng ở Cần Giờ sẽ thu hút vốn lớn từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động tại cảng cùng hàng chục nghìn người phục vụ ở khối hậu cần, trung tâm logistics sau cảng...
Theo Sở Giao thông Vận tải, hàng hóa thông qua cảng biển ở thành phố từ nay đến 2030 tăng bình quân hơn 5% mỗi năm, riêng hàng container khoảng 6%. Trong khi hệ thống bến container tại các cảng biển trên địa bàn đều ở nội đô, công suất khai thác đều đã vượt quá quy hoạch.
Do vậy, việc bổ sung quy hoạch và xây cảng ở Cần Giờ sẽ hỗ trợ hệ thống cảng biển trên địa bàn, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác cũng như đột phá phát triển kinh tế biển. Dự kiến, đến năm 2030, công suất ở cảng đạt khoảng 4,8 triệu teu và năm 2047 gần 16,9 triệu teu (mỗi teu tương đương container loại 20 feet).
Theo đề án, để kết nối cảng Cần Giờ, ngoài các luồng hàng hải đã có, dự tính từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ xây cầu Cần Giờ nối địa phương này sang huyện Nhà Bè. Cầu bắc qua sông Soài Rạp, dự kiến triển khai theo hình thức PPP, tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng giúp phá thế độc đạo của phà Bình Khánh ra vào khu nội đô.
Cũng trong giai đoạn trên, thành phố đầu tư, nâng cấp các cầu trên đường Rừng Sác và làm nút giao liên kết tuyến này với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh. Sau năm 2030, một đoạn đường nối sẽ được xây từ vị trí cảng trung chuyển qua tuyến Rừng Sác tại xã Long Hòa. Đồng thời, ngành giao thông cũng nghiên cứu làm tuyến trên cao chạy dọc đường Rừng Sác đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cùng với đường bộ, đề án xây cảng trung chuyển ở Cần Giờ đề cập sau năm 2030 sẽ phát triển và hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác, nối Khu đô thị biển Cần Giờ với Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè.
Theo tiến trình triển khai sau khi đề án được duyệt, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư từ nay đến năm 2024. Quá trình xây dựng diễn ra trong ba năm, từ 2024 đến 2026 và khai thác từ năm 2027.
Gia Minh