"Chúng tôi rất lo ngại về vụ giam giữ tùy tiện hai người Canada của chính quyền Trung Quốc vào đầu tháng này và kêu gọi trả tự do cho họ ngay lập tức", Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 21/12 nói trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cũng kêu gọi Trung Quốc thả hai người này, trong khi phát ngôn viên của Đại diện Ngoại giao Liên minh Châu Âu Federica Mogherini tuyên bố: "EU ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Canada".
Cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị Trung Quốc bắt với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Các động thái này diễn ra sau khi Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ, khiến quan hệ ngoại giao giữa các bên trở nên căng thẳng.
Bà Mạnh đang được tại ngoại trong lúc chờ phiên tòa dẫn độ về Mỹ với cáo buộc lừa dối ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Mỗi tội danh có thể khiến bà lĩnh án tù tối đa khoảng 30 năm. Giới chuyên gia đánh giá vụ bắt hai người Canada là động thái của Bắc Kinh nhằm gây sức ép với Ottawa.
Robert Malley, chủ tịch Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nơi làm việc của Kovrig, nói rằng Trung Quốc không cho phép ông này gặp luật sư. Các nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ Kovrig không được phép nộp đơn xin tại ngoại, bị thẩm vấn mỗi buổi sáng, chiều và tối, không được phép tắt đèn vào buổi đêm và bị giam ở một địa điểm bí mật. Trong khi đó, Trung Quốc bác tin ngược đãi Kovrig, nói rằng họ đã tuân thủ luật pháp trong việc bảo đảm các quyền hợp pháp và đối xử nhân đạo.
"Canada sẽ không thỏa hiệp hay chính trị hóa luật pháp và thủ tục tố tụng. Canada đang tiến hành thủ tục pháp lý công bằng, minh bạch và không thiên vị đối với Mạnh Vãn Chu", Freeland nói và nhấn mạnh Canada "tôn trọng các cam kết pháp lý quốc tế, bao gồm hiệp ước dẫn độ với Mỹ".