Robert Malley, chủ tịch Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nơi làm việc của công dân Canada Michael Kovrig, hôm nay cho biết Trung Quốc không cho phép cựu nhân viên ngoại giao này được gặp luật sư sau khi bắt ông với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
"Đó là một điều đáng bận tâm. Tại thời điểm này, toàn bộ sức lực của chúng tôi đều tập trung vào việc đưa Michael trở về đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng ông ấy được thả nhanh chóng và an toàn", SCMP dẫn lời Malley cho hay.
Các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Kovrig bị chặn trên đường ở Bắc Kinh và bắt vào khoảng 10h tối 10/12. Trung Quốc thông báo với chính phủ Canada về vụ bắt hai ngày sau đó. Tới nay Ottawa chỉ nhận được quyền tiếp xúc lãnh sự với Kovrig tại một đồn cảnh sát hôm 14/12, khi đại sứ Canada và hai nhà ngoại giao khác tới thăm ông trong vòng nửa giờ.
Nguồn tin tiết lộ Kovrig còn không được phép nộp đơn xin tại ngoại, bị thẩm vấn mỗi buổi sáng, chiều và tối, không được phép tắt đèn vào buổi đêm và bị giam ở một địa điểm bí mật. Ông cũng chỉ được tiếp xúc lãnh sự một lần mỗi tháng và không được gặp gia đình hay người thân. Nguồn tin nói thêm rằng cựu nhân viên ngoại giao vẫn khỏe về mặt thể chất, nhưng mệt mỏi và căng thẳng về tinh thần.
Theo nguồn tin của Reuters, Kovrig còn có thêm quốc tịch Hungary. Liên minh châu Âu (EU) chưa bình luận trực tiếp về thông tin này, nhưng nói rằng vụ bắt Kovrig và doanh nhân Michael Spavor khiến châu Âu lo ngại về các hoạt động nghiên cứu và kinh doanh hợp pháp tại Trung Quốc.
"Việc từ chối cho gặp luật sư trong lúc bị giam là trái với quyền bào chữa. EU hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của chính phủ Canada trong vấn đề này", phát ngôn viên của EU cho biết trong một tuyên bố. Tuy nhiên, theo luật hình sự của Trung Quốc, trong các trường hợp liên quan tới an ninh quốc gia, luật sư bào chữa phải được các cơ quan điều tra chấp thuận trước khi gặp nghi phạm.
Ngoài Kovrig và Spavor, giáo viên người Canada Sarah McIver cũng bị công an địa phương bắt với cáo buộc làm việc bất hợp pháp ở Trung Quốc. Những trường hợp này được coi là động thái trả đũa của Bắc Kinh sau khi Ottawa bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Hiện bà Mạnh được tại ngoại trong lúc chờ phiên tòa dẫn độ về Mỹ với cáo buộc lừa dối ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Ánh Ngọc