Chia sẻ sau khi chính phủ Canada công bố "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Ngoại trưởng Melanie Joly cho biết Canada sẽ "thúc đẩy và bảo vệ" những lợi ích quốc gia trong một khu vực mà các quốc gia đang cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lực.
"Chúng tôi là một quốc gia Thái Bình Dương và những gì xảy ra ở đó đều ảnh hưởng tới Canada. Tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gắn liền với tương lai của chúng tôi", bà nói.
Chiến lược, mất ba năm để phát triển và công bố hôm 27/11, đã đề cập tới Trung Quốc hơn 50 lần, mô tả nước này là cường quốc toàn cầu có những hành vi "cản trở" trật tự quốc tế. Nhưng Ngoại trưởng Joly thừa nhận Canada sẽ phải tìm cách hợp tác với những quốc gia lớn mạnh như Trung Quốc.
"Chúng tôi nghĩ rằng ngoại giao là sức mạnh. Chúng ta thực sự cần hợp tác, nhưng phải theo khuôn khổ rõ ràng. Chúng tôi đã công khai khuôn khổ đó và sẽ giữ lập trường cứng rắn", bà Joly nói, đề cập đến Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi cũng muốn coi vấn đề nhân quyền là một trụ cột trong chiến lược, vì chúng tôi muốn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình mà không phải thỏa hiệp các giá trị", bà nói thêm.
Canada sẽ chi gần nửa tỷ USD cho các sáng kiến an ninh theo chiến lược mới, trong đó có điều thêm tàu hộ vệ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Ottawa cũng tăng cường tài trợ cho thu thập thông tin tình báo để xác định các thách thức an ninh, đồng thời thúc đẩy tập trận với các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng bằng cách đầu tư vào năng lực răn đe, các chuẩn mực quốc tế sẽ được tôn trọng, từ đó mang lại lợi ích cho khu vực", bà Joly nói.
Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với chiến lược mới, cáo buộc nó "chứa đầy những định kiến và những lời cáo buộc vô cớ" chống lại Bắc Kinh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cảnh báo Ottawa sẽ "thất bại và vấp phản ứng mạnh mẽ" từ Bắc Kinh nếu tự ý hành động.
Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc leo thang trong những năm gần đây. Trong cuộc gặp bên lề tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia giữa tháng 11, Thủ tướng Canada Justine Trudeau bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang can thiệp vào các thể chế dân chủ, trong khi giới chức tình báo cáo buộc rằng Bắc Kinh đã can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang Canada năm 2019, theo thông tin được các quan chức Ottawa cung cấp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó đã bày tỏ sự không hài lòng với ông Trudeau khi nội dung hội đàm giữa hai lãnh đạo được công bố với truyền thông.
Thanh Tâm (Theo Guardian)