"Tôi cho rằng đây là quan điểm rất khác thường", Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos phát biểu trong cuộc họp báo hôm 17/1. "Chắc chắn nó không phù hợp với những gì chúng ta đã làm cả trong nước và quốc tế".
Tuyên bố được Bộ trưởng Duclos đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc trước đó cùng ngày nói rằng ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Bắc Kinh có thể lây từ bức thư được gửi từ Toronto, Canada và kêu gọi người dân dừng đặt hàng nước ngoài khi Thế vận hội Mùa đông sắp khai mạc.
Pang Xinghuo, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, cho biết giới chức y tế "không thể loại trừ khả năng" bệnh nhân bị lây nhiễm do hàng hóa mang virus từ nước ngoài. Theo trung tâm, bức thư được chuyển qua Mỹ trước khi đến Hong Kong, và điểm đến cuối cùng ở Bắc Kinh.
Tổng công ty Bưu chính Trung Quốc cũng ra thông báo yêu cầu nhân viên khử khuẩn toàn bộ phong bì thư quốc tế "càng sớm càng tốt", cũng như quy định những người xử lý bưu phẩm từ nước ngoài phải tiêm liều vaccine tăng cường.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Canada cho rằng giả thuyết bức thư có thể lây lan virus mâu thuẫn với các nghiên cứu gần đây về khả năng tồn tại của nCoV trên bề mặt vật thể.
"Tôi cho rằng cáo buộc đó không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào", tiến sĩ Anna Banerji, phó giáo sư nhi khoa và bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Dalla Lana thuộc Đại học Toronto, cho biết, thêm rằng biến chủng Omicron "không bao giờ có thể tồn tại trên một phong bì thư được vận chuyển khắp thế giới".
Cơ quan Y tế Công cộng Canada cho biết nCoV chủ yếu lây truyền qua không khí.
"Thư có thể dính virus, nhưng nguy cơ nhiễm Covid-19 khi cầm thư hoặc gói bưu kiện quốc tế là cực kỳ thấp", cơ quan này cho hay. "Chúng ta biết rằng virus lây truyền phổ biến nhất khi mọi người tiếp xúc gần với ca nhiễm có hoặc không có triệu chứng".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, các nghiên cứu cho thấy "không thể phát hiện virus tồn tại vài phút đến vài giờ" trên các bề mặt xốp, như giấy. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet tháng 4/2020 kết luận "không loại virus lây nhiễm nào có thể tồn tại trên giấy in và giấy vệ sinh sau ba giờ".
Tiến sĩ dịch tễ học Donald Vinh, giáo sư thuộc bộ phận y học thực nghiệm của Đại học McGill, Canada, cho biết khả năng bức thư thực sự lây nhiễm Omicron cho ai đó là "rất, rất thấp". "Khả năng này có thể xảy ra không? Câu trả lời là không", ông cho hay.
Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra khi nước này nỗ lực kiềm chế ca Covid-19 trước Thế vận hội Mùa đông, dự kiến khai mạc tại Bắc Kinh ngày 4/2. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, như phong tỏa, truy vết và xét nghiệm hàng loạt nhằm đưa số ca nhiễm về 0. Đầu tuần này, Trung Quốc thông báo sẽ không bán vé Thế vận hội cho công chúng do lo ngại virus.
Colin Robertson, cựu quan chức ngoại giao Canada, hiện là phó chủ tịch Viện Các vấn đề Toàn cầu Canada, cho rằng Trung Quốc dường như đang "tìm cớ" trong trường hợp dịch bệnh bùng phát khi Thế vận hội diễn ra.
"Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, họ có thể cho rằng virus đến từ bên ngoài chứ không phải bên trong Trung Quốc vì họ đã nỗ lực hết sức để kiềm chế, áp dụng phương pháp không khoan nhượng, phong tỏa hoàn toàn các thành phố", ông nói.
Guy St-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cũng đưa ra nhận định tương tự. "Trung Quốc dễ dàng đổ lỗi cho Canada vì không có cách nào điều tra cáo buộc trên có đúng hay không và nếu đúng, lượng virus trên bì thư có thực sự là mối đe dọa hay không?", ông nhấn mạnh.
Phản bác từ Canada được đưa ra khi căng thẳng gia tăng giữa Ottawa và Bắc Kinh liên quan đến các vụ bắt công dân của nhau. Trung Quốc đã bỏ tù hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor gần ba năm, động thái mà Ottawa cáo buộc là biện pháp trả đũa việc Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ. Sau khi Canada phóng thích Mạnh Vãn Chu, Trung Quốc cũng trả tự do cho Kovrig và Spavor.
Huyền Lê (Theo CBC)