Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Văn phòng Luật sư Hồng Hà, Hà Nội) cho rằng, phải đợi sự “vào cuộc” của các cơ quan có thẩm quyền thì mới biết Vietnam Airlines có vi phạm Luật cạnh tranh như Pacific Airlines “tố” hay không.
![]() |
Vietnam Airlines chiếm trên 75% thị phần nội địa. |
Tại Điều 11 Luật Cạnh tranh quy định “doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”. Trên đường bay nội địa, Vietnam Airlines đang chiếm 75% thị phần nên được coi là doanh nghiệp vận tải hàng không có vị trí thống lĩnh. Với vị thế này, Vietnam Airlines có đủ điều kiện để gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể với Pacific Airlines.
Cũng theo Điều 13 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm thực hiện một số hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh gây tổn hại cho các doanh nghiệp khác. Trong đó có hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, để đánh giá việc Vietnam Airlines giảm giá vé ồ ạt trên cùng đường bay với đối thủ yếu hơn là vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, theo ông Bình cần phải xem xét, đánh giá nhiều mặt, trong đó phải chứng minh được giá dịch vụ (giá vé) của Vietnam Airlines có hạ đến mức “dưới giá thành toàn bộ” hay không. "Theo tôi, không thể chỉ nhìn ở một góc độ là Vietnam Airlines “mạnh” hơn Pacific Airlines mà kết luận hãng này vi phạm Luật Cạnh tranh", ông Bình nói.
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh thì, trừ trường hợp “hạ giá bán hàng hóa theo mùa vụ, hạ giá bán hàng hóa trong chương trình khuyến mại theo quy định của pháp luật…”, các hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ với mức giá thấp hơn tổng các chi phí cấu thành giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ hoặc chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ đều bị coi là hành vi bán hàng hóa dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. |
Ông Dương Cao Thái Nguyên - nguyên giám đốc PA, đang làm việc tại Cục hàng không dân dụng VN - phân tích, điểm mấu chốt gây tranh cãi giữa hai hãng hàng không là các chương trình khuyến mãi và hạ giá vé. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Theo ông, để xem Vietnam Airlines có vi phạm luật hay không, cần xem hãng này có lộ trình thực hiện các chiến dịch đó không, hay tung sản phẩm ra một cách tùy hứng. "Nếu họ có lộ trình đưa ra sản phẩm đó để xây dựng thương hiệu, thu hút khách hàng thì chẳng có gì sai cả", ông nói.
Liên quan đến chuyện lỗ lãi, ông Nguyên cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh hàng không, yếu tố quyết định vấn đề này là hệ số sử dụng ghế chứ không phải giảm giá. Với điều kiện giá xăng dầu như hiện nay, nếu hệ số sử dụng ghế trên 90% thì có lãi, 70-80% thì lỗ, như vậy cần xem xét liệu 2 hãng hàng không có thực sự phải giảm giá để tăng hệ số sử dụng ghế hay không.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia Ban nghiên cứu của Thủ tướng nhận xét, Vietnam Airlines cũng phải chịu sức ép từ phía bên ngoài, phải giảm giá nếu không sẽ mất chỗ đứng của mình. Bên cạnh đó, hãng này còn chịu sức ép giảm giá từ du lịch, vì lâu nay giá vé hàng không của VN quá đắt, dịch vụ lại kém, hay chậm hủy chuyến. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân thì Pacific Airlines vẫn là doanh nghiệp yếu thế, bởi để mở rộng đường bay họ phải xin phép. Hơn nữa, hãng này cũng không có được đặc quyền quyết định giờ cất hạ cánh ở sân bay của các hãng nước ngoài như Vietnam Airlines khi đi đàm phán.
Trong bối cảnh hiện nay, theo bà Lan tốt nhất cả 2 hãng cần phát triển khả năng cạnh tranh, ở một số dịch vụ nên cho Pacific Airlines đầu tư mới. Nhìn rộng hơn, VN nên cho phép thành lập một số hãng hàng mới không thuộc Vietnam Airlines để giảm bớt sự độc quyền. Nếu vì ngành hàng không còn liên quan đến an ninh, chủ quyền bầu trời thời gian đầu không mở cho tư nhân, thì nên để công ty cổ phần có vốn nhà nước tham gia, miễn sao không phải công ty con của Vietnam Airlines.
Bà Lan cho rằng, tranh chấp trên thị trường hàng không là câu chuyện lặp lại của ngành viễn thông năm ngoái. Qua đây có thể thấy, về hình thức có doanh nghiệp là có thêm cạnh tranh, nhưng môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng chưa được thiết lập.
"Tranh chấp giữa hai hãng là vấn đề lớn, Cục Hàng không là cơ quan quản lý mà không can thiệp thì ai đứng ra can thiệp đây", bà Lan đặt câu hỏi. Theo bà, điểm bất hợp lý nhất hiện nay là, thị trường không thể tồn tại kiểu cạnh tranh giữa một anh rất to và một anh bé. Hơn nữa, anh to lại nắm trong tay cơ sở hạ tầng. "Chúng tôi không có trách nhiệm trực tiếp giải quyết trong vụ này, nhưng nếu cần thiết chúng tôi có thể nghiên cứu, can thiệp để tư vấn cho Thủ tướng", bà nói.
Ngoài Cục Hàng không có thể tham gia dàn xếp, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cũng cần can thiệp khi thấy doanh nghiệp nào đó có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, ngay cả khi họ không đứng ra làm đơn tố giác.
Theo Luật sư Phạm Thanh Bình, trong trường hợp cơ quan quản lý cạnh tranh có đủ cơ sở để xác định Vietnam Airlines có hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh thì theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 120 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bên vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5% đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm các quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm, buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh liên quan; buộc cơ cấu lại doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường… |
Hồng Anh - Việt Phong