Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát, cho hay năm 2008 doanh nghiệp thuê đất trong Khu chế xuất Linh Trung II để làm nhà lưu trú cho công nhân. Ba năm sau, công ty khởi công giai đoạn một với 368 căn hộ, diện tích mỗi căn 35-38 m2, với hơn 1.000 công nhân sinh sống. Lúc này dự án được xác định là nhà ở xã hội nên mật độ xây dựng tăng lên 1,5 lần, tức sẽ có nhiều chỗ ở hơn cho công nhân.
Lãnh đạo Công ty Thiên Phát cho rằng một hỗ trợ quan trọng khác khi dự án là nhà ở xã hội được vay từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển với lãi suất một nửa thị trường. "Thời điểm đó lạm phát tăng rất cao, lãi suất vay thương mại đến 22%, nếu không được hỗ trợ vốn, chúng tôi không thể làm được", ông Lợi nói. Khi được hỗ trợ theo chính sách nhà ở xã hội, Thiên Phát phải cam kết giá cho thuê thấp, người vào ở phải là công nhân ở khu chế xuất, có hợp đồng lao động.
Tuy nhiên khi thực hiện giai đoạn hai quy mô gần 500 căn hộ, chính sách pháp luật thay đổi, dự án được yêu cầu thực hiện theo hình thức nhà ở thương mại. Công ty phải thay đổi thay đổi thiết kế tổng mặt bằng, giảm bớt diện tích vì không được tăng mật độ xây dựng, làm lại hệ thống phòng, chữa cháy tốn 10 tỷ đồng, điều chỉnh quy hoạch 1/500... Dự án cũng không được vay vốn ưu đãi. Theo ông Lợi, với các yêu cầu mới dự án sẽ kéo dài vài năm, tất cả chi phí tăng thêm được tính vào giá thuê, công nhân sẽ phải trả gấp 5 lần mức hiện tại.
"Trong khi công nhân là nhóm thu nhập thấp, xứng đáng được hưởng ưu đãi từ chính sách nhà ở xã hội. Doanh nghiệp cũng sẽ có động lực đầu tư", ông Lợi nói.
Cần xác định rõ khu lưu trú công nhân là nhà ở xã hội cũng là ý kiến của Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM. Cơ quan này cho rằng muốn gỡ khó cho nhà ở công nhân cần làm rõ một số vấn đề liên quan Nghị định 35. Cụ thể, khoản 5 Điều 22 của Nghị định xác định dự án xây nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định về xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy, nhà lưu trú công nhân cần được xem là nhà ở xã hội, để hỗ trợ nhà đầu tư.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, đơn vị trực tiếp sử dụng lao động, ông Mochizuki Daisuke, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức), nói rằng thực tế việc đầu tư vào nhà ở cho công nhân mang lại nhiều cái lợi cho nhà máy. Tuy nhiên, lợi ích chưa nhìn thấy ngay và không đo đếm bằng hiện kim. Do đó, để các doanh nghiệp sản xuất tham gia xây nhà ở cho công nhân, pháp luật cần quy định rõ ràng và có những hỗ trợ nhất định như miễn, giảm tiền thuê đất.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), nói đặc thù của đô thị là dòng người luôn luân chuyển. TP HCM không thể xây nhà chứa hết tất cả lao động nhập cư đến làm việc. Do đó, chính quyền cần thay đổi quan điểm, chính sách đầu tư nhà ở dành cho người lao động, tức chuyển từ xây bán sang cho thuê. Ví dụ doanh nghiệp đầu tư nhà lưu trú cần được miễn, giảm tiền thuê đất, hoặc nếu doanh nghiệp đã trả tiền thì cần khấu trừ vào thuế để tạo động lực phát triển nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra, theo ông Lộc, khi thành phố cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp nên kèm theo quy định về đảm bảo chỗ ở chứ không phải "mua đứt bán đoạn" như hiện nay. Doanh nghiệp đang được lợi rất lớn từ lao động giá rẻ của Việt Nam, trong khi nhiều công nhân nhận mức lương không đủ sống. Doanh nghiệp khi đầu tư cần đảm bảo chỗ ở, y tế, giáo dục giúp người lao động gắn bó và giảm gánh nặng cho những khu vực có các nhà máy trú đóng.
Mới đây khi đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đề nghị mở rộng nhóm thực hiện nhà lưu trú cho công nhân bao gồm các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, công ty có chức năng kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề xuất Tổng liên đoàn lao động phối hợp UBND cấp tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để triển khai nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp.
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng liên đoàn lao động), cho rằng nếu tổ chức công đoàn được làm chủ đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ chủ động hơn, thúc đẩy các dự án triển khai nhanh hơn.
Song song với sửa Luật Nhà ở, theo ông Nghĩa, Luật Kinh doanh bất động sản cần phải điều chỉnh cho phép công đoàn được quản lý vận hành, ký hợp đồng cho thuê với công nhân. Điều này giúp việc phát triển nhà ở cho công nhân bỏ các bước trung gian, giảm chi phí để đưa ra giá thuê thấp nhất.
Lê Tuyết