Chị Hương Trà ngụ tại quận Gò Vấp cho biết, tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hà Nội Vàng (HGI) thành lập chi nhánh miền Nam đặt tại TP HCM. Chị xin vào làm nhân viên và được biết đơn vị này có chính sách nhận ủy thác đầu tư với lãi suất 2,5-3% một tháng.
Theo chị, một phần thấy lãi suất cao, phần khác lại tin tưởng công ty nên chị đã về vận động người thân quen, bạn bè được số tiền 100 triệu đồng mang đến gửi. Hợp đồng ủy thác đầu tư của chị ký với HGI ngày 24/7, thời gian 2 tháng, số tiền ủy thác là 100 triệu đồng, lãi suất 3% mỗi tháng.
Chị cho hay, tháng đầu tiên đã nhận được tiền lãi đúng theo hợp đồng. Cuối tháng 9 vừa qua là thời điểm tất toán hợp đồng, lẽ ra chị sẽ được nhận tiền lãi cùng số tiền gốc, nhưng công ty xin khất. Sau đó, HGI cam kết sẽ trả lại cho chị cả lãi lẫn gốc vào ngày 25/10, với điều kiện phải ký vào biên bản tố nguyên giám đốc chi nhánh miền Nam Công ty HGI lạm dụng tín nhiệm tự ý huy động tiền của khách hàng. Vị giám đốc này đã bị công ty bãi nhiệm hôm 18/9.
"Việc giám đốc cũ của HGI có lạm dụng tín nhiệm hay không thì nội bộ ban lãnh đạo của công ty tự giải quyết. Tôi không biết rõ thực hư nên không thể ký vào biên bản đó. Còn việc công ty đã nhận tiền ủy thác của tôi với đầy đủ các giấy tờ, con dấu chứng thực thì phải có trách nhiệm trả tiền cho tôi", chị nói.
Theo chị Hương Trà, do không đồng ý ký vào biên bản tố cáo kia nên chị không được HGI chi trả lại khoản tiền gốc 100 triệu đồng cùng số lãi.
Khung pháp lý cho hoạt động ủy thác đầu tư của Việt Nam hiện còn thiếu và lỏng lẻo. Ảnh: Lệ Chi. |
Tương tự trường hợp của chị Hương còn có 6 khách hàng khác. Tất cả đều có hợp đồng ủy thác đầu tư với HGI ký từ tháng 7 đến tháng 9/2012, tổng số tiền ủy thác là 1,7 tỷ đồng.
Cuối tuần rồi, cả 7 "nạn nhân" trên cùng đứng tên trong đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Liên tiếp những ngày sau đó, nhóm khách hàng này vẫn đến công ty HGI để đòi trả lại tiền. Đến chiều 30/10 thì 2 trong số 7 người trên đồng ý ký vào biên bản "tố nguyên giám đốc cũ lạm dụng tín nhiệm" nên đã được thanh toán một phần tiền.
Những người còn lại không đồng ý ký thì HGI hứa sẽ giải quyết vào cuối tháng 11 tới. "Chúng tôi đề nghị công ty làm biên nhận về thời gian trả nợ nhưng họ không đồng ý mà chỉ hứa bằng miệng", một khách hàng nói.
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, đại diện Công ty Hà Nội Vàng cho rằng, việc ủy thác đầu tư chỉ được họ thực hiện đối với những nhân viên đang làm việc ở công ty mẹ tại Hà Nội, còn HGI chi nhánh miền Nam không có chủ trương ủy thác đầu tư. Việc huy động tiền từ 7 khách hàng nói trên là do nguyên giám đốc vừa bị bãi nhiệm "lạm quyền và tự đứng ra thực hiện".
Trên website của mình, HGI nêu rõ lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là Tư vấn đầu tư tài chính, cùng 3 sản phẩm mục tiêu: tư vấn đầu tư kinh doanh vàng, đầu tư chứng khoán và giao dịch bất động sản.
"Tuy nhiên, vì muốn vụ việc không ầm ĩ nên công ty đồng ý đứng ra giải quyết cho các khách hàng này", ông nói. Riêng việc "ép" khách hàng ký vào biên bản tố vị giám đốc cũ lạm quyền mới đồng ý thanh toán nợ, đại diện HGI miền Nam cho rằng "việc này là để ngăn chặn những hành vi sai trái khác có thể xảy ra".
Trước cáo buộc này, nguyên giám đốc vừa bị bãi nhiệm của HGI miền Nam khẳng định với VnExpress bà không lạm quyền và tự ý đứng ra huy động tiền ủy thác đầu tư của khách hàng. Bà cho biết, tất cả hợp đồng ủy thác với khách hàng đều được đóng dấu của công ty và chữ ký của Tổng giám đốc từ Hà Nội chuyển vào. "Tôi chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên. Tất cả chỉ đạo này đều được thực hiện qua mail và tin nhắn. Hiện tôi đều lưu giữ những nội dung này", bà nói.
TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế -Luật thuộc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng ủy thác đầu tư là một hoạt động phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro và dễ phát sinh tranh chấp. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, pháp luật hiện hành quy định hoạt động đầu tư ủy thác thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức nhận ủy thác đầu tư phải đáp ứng những điều kiện nhất định về vốn, về chuyên môn nghiệp vụ và phải công khai danh mục đầu tư, phải có nghĩa vụ cảnh báo các nhà đầu tư về những rủi ro mà họ có thể gặp phải đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành.
Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010, Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các họat động đầu tư.
Như vậy, việc một doanh nghiệp tiến hành nhận ủy thác đầu tư mà chưa đáp ứng các điều kiện hoặc không được tổ chức và hoạt động theo những mô hình nêu trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và nếu hoạt động này trở nên phổ biến thì có thể tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư và cả hệ thống tài chính – tiền tệ cũng như cho toàn bộ nền kinh tế.
Ông cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư khi ủy thác vốn cho một doanh nghiệp không có chức năng nhận ủy thác là mất số vốn đã ủy thác. Việc tổ chức, cá nhân có nhu cầu sinh lợi từ nguồn vốn tích lũy của mình thông qua việc ủy thác quản lý đầu tư là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần kiểm tra xem tổ chức nhận ủy thác đầu tư có chức năng nhận ủy thác đầu tư hay không, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong lĩnh vực mà tổ chức đó sẽ sử dụng vốn của nhà đầu tư để đầu tư hay không và đặc biệt là không nên tin vào những mức lãi suất hoặc lợi nhuận cao “ngất ngưởng” đến mức vô lý mà tổ chức nhận ủy thác đầu cam kết mang lại.
Đồng tình quan điểm, Luật sư Võ Quang Vũ, Công ty Luật Tân Á cũng cho rằng, một doanh nghiệp khi thực hiện chức năng ủy thác đầu tư phải chứng minh được dự án đầu tư, hoặc mục đích sử dụng dòng tiền ủy thác này. Nếu không chứng minh được thì đây là huy động tiền chứ không phải ủy thác đầu tư. "Nghiệp vụ này chỉ có ngân hàng mới được triển khai, còn doanh nghiệp không được phép. Trường hợp xảy ra rủi ro, nếu hai bên không thỏa thuận được, khách hàng có thể làm đơn gửi công an nhờ can thiệp", ông nói.
Ngoài ra, ông Vũ cũng khuyến cáo, người dân cần phải xem xét kỹ trước khi tham gia các hợp đồng ủy thác đầu tư, giao vốn cho các doanh nghiệp nhận ủy thác đầu tư; cần kiểm tra ngành nghề đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ, năng lực, hoạt động kinh doanh … để phòng tránh những rủi ro cho chính mình", ông nói.
Lệ Chi