Theo tiến sĩ David Lau, chuyên gia phẫu thuật Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Gleneagles, Singapore, viêm mũi dị ứng là triệu chứng bệnh ở mũi và đường hô hấp trên, xảy ra khi một người có hệ thống miễn dịch mẫn cảm hít phải những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi... Cơ thể sản xuất các kháng thể, làm giải phóng histamines với các triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi và chảy nước mắt. Đây là căn bệnh phổ biến ở trẻ em châu Á.
Nguyên nhân dẫn đến đến viêm mũi dị ứng gồm:
- Tiền sử bệnh gia đình, do gene.
- Bệnh dị ứng di truyền đang có sẵn như suyễn, chàm và dị ứng thức ăn.
- Các nhân tố môi trường như khói thuốc, xe cộ và nấm mốc tác động đến trẻ ở giai đoạn đầu đời.
- Các nhân tố có từ khi trẻ chưa chào đời như người mẹ tiếp xúc khói thuốc lá trong quá trình mang thai.
- Chế độ ăn kiêng cũng có thể là nguyên nhân dị ứng.
Viêm mũi dị ứng thường có trước khi phát triển thành bệnh hen suyễn ở trẻ em. Vì vậy việc điều trị bệnh viêm mũi sẽ cải thiện kết quả điều trị bệnh hen suyễn. Thêm vào đó viêm mũi dị ứng cũng đi kèm với viêm kết mạc mắt, viêm xoang, đau đầu và sung huyết mũi dẫn đến ngáy và chứng ngừng thở khi ngủ.
Để điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em, quan trọng là phải loại bỏ chất gây ra dị ứng nếu nhận biết được chủng loại của chúng. Với những trường hợp nhẹ, có thể dùng một số loại kháng histamine dạng uống hoặc các thuốc giảm sung huyết trong vài ngày. Trường hợp nặng hơn, phương pháp trị liệu miễn dịch được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em trên 5 tuổi. Bệnh nhi sẽ được tiêm kháng nguyên có liên quan nhằm điều chỉnh hệ miễn dịch, từ đó làm giảm những triệu chứng dị ứng. Nếu điều trị nội khoa thất bại, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để cải thiện việc tắc nghẽn đường mũi hoặc điều trị viêm xoang.
Để phòng bệnh, tiến sĩ Lau khuyên nên cho trẻ em bú mẹ, ăn cá sớm và cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết khi người mẹ đang mang thai. Bằng cách này, có thể giúp giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị viêm mũi dị ứng.
Thi Ngoan