Một tổ chức chuyên nguyên cứu về biện pháp can thiệp giúp cải thiện khả năng nhận thức ở trẻ tự kỷ đã ghi nhận hiệu quả của phương pháp tương tác xã hội đối với các trẻ tự kỷ. Nghiên cứu này được thực hiện tại một trường đại học ở Washington, nằm trong chuỗi chương trình chuyên biệt nhằm tìm hiểu về các phương pháp cải thiện nhận thức và phản ứng của bộ não trẻ tự kỷ.
Đứng đầu nhóm nghiên cứu, bà Geraldine Dawson, đồng thời thời là trưởng nhóm vận động tự kỷ cho biết: “Quá trình lớn lên và tiếp thu của một đứa trẻ đang tập đi ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tương tác xã hội hằng ngày của các em. Riêng đối với những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ thì sự can thiệp sớm của cộng đồng sẽ giúp các bé nhận thức được sự tương tác, quan tâm của cộng đồng. Việc này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển bình thường của não bộ và hành vi của đứa bé”.
Nhóm nhà khoa học của bà Geraldine đã nghiên cứu trên 48 trẻ em từ 18 đến 30 tháng tuổi được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Các bé được phân chia làm các nhóm tham gia vào cộng đồng và thường xuyên được tác động trực tiếp hoặc bằng mô hình can thiệp xã hội sớm Denver.
Toàn bộ những đứa trẻ tham gia vào nghiên cứu này sẽ được tiếp cận các phương pháp can thiệp tương tác xã hội, thực hiện khoảng 20 giờ mỗi tuần trong vòng 2 năm. Riêng những đứa trẻ đã mắc bệnh tự kỷ sẽ được phân ngẫu nhiên vào các nhóm và được những chuyên gia trị liệu đến tận nhà điều trị. Mỗi lần trị liệu kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, mỗi ngày thực hiện 2 lần, mỗi tuần 5 ngày.
Denver là một phương pháp giáo dục dựa trên các mối quan hệ và sự phát triển, sử dụng những kỹ thuật giảng dạy đặc thù. Mô hình Denver chú trọng đến việc tham gia, trao đổi, chia sẻ của trẻ trong các hoạt động xã hội. Bà Geraldine đã xây dựng và phát triển phương pháp can thiệp này cùng cộng sự của bà là giáo sư Sally Rogers, công tác tại Viện UC Davis MIND.
Trong quá trình điều trị, cha mẹ của những đứa trẻ tự kỷ cho biết phương pháp này đem lại những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của con họ. Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy việc can thiệp xã hội giúp cải thiện được chỉ số IQ, ngôn ngữ và khả năng thích nghi của trẻ tự kỷ. Riêng trong nghiên cứu lần này, các nhà khoa học muốn chú trọng vào khả năng cải thiện não bộ của trẻ tự kỷ như thế nào.
Sau 2 năm điều trị bằng phương pháp can thiệp xã hội, các nhà nghiên cứu theo dõi chức năng não của những đứa trẻ tự kỷ (lúc này đã được khoảng 4 – 5 tuổi) bằng biện pháp đo điện não. Bên cạnh đó, họ còn đo khả năng nhận thức của các bé bằng tương tác xã hội (chẳng hạn như khả năng nhận diện gương mặt) và các kích thích không mang tính xã hội (khi tiếp xúc với đồ chơi).
Thông thường, những đứa trẻ bình thường có thể thay đổi nét mặt nhanh chóng theo nhận thức, nhưng các trẻ tự kỷ thì phản ứng của nét mặt sẽ biểu lộ trễ hơn so với nhận thức. Tuy nhiên kết quả theo dõi lần này ghi nhận, những đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ đã có phản ứng của não bộ tương ứng với nét mặt giống như những đứa trẻ bình thường. Ghi nhận này chứng minh rằng phương pháp can thiệp xã hội lên nhóm trẻ mắc bệnh tự kỷ giúp các em có thể phát triển bắt kịp những đứa trẻ bình thường.
"Nếu não bộ có thể nhận diện một cách nhanh chóng một khuôn mặt thì cũng có thể nhanh chóng nhận diện được khuôn mặt đó là của đàn ông hay phụ nữ, hạnh phúc hay không hạnh phúc, quen thuộc hoặc xa lạ. Đây là một điều tuyệt vời", đại diện nhóm nghiên cứu lý giải.
Qua kết quả nghiên cứu lần này, bà Geraldine khuyên, các nhà giáo dục và cha mẹ không nên chỉ chú trọng vào một biện pháp can thiệp chuyên sâu đối với trẻ tự kỷ mà quên đi sự tương tác xã hội, tương tác lẫn nhau của trẻ. Các biện pháp này đều có tác dụng tích cực. Đây là lần đầu tiên, phụ huynh và những người nghiên cứu về trẻ tự kỷ có những bằng chứng khoa học về sự can thiệp sớm có thể cải thiện sự phát triển của cả não bộ và hành vi ở trẻ tự kỷ.
Thi Trân (Sciencedaily)