"Mối quan hệ tích cực của chúng tôi với Nga là điều ai cũng biết", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu hôm 6/10, sau khi chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. "Nhưng nếu Nga mất đi một người bạn như Thổ Nhỹ Kỳ, bên đã hợp tác với họ trong nhiều vấn đề, họ sẽ mất rất nhiều và họ nên biết điều đó".
Tuy vậy, ngoài những cảnh báo thẳng thừng đó, dường như ông Erdogan sẽ không thể làm gì nhiều trước những hành động quân sự quyết liệt của Nga tại Syria. Chiến dịch của Nga đang cản trở ưu tiêu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi, và tạo một vùng đệm tại biên giới của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù thân thiết với Nga trên nhiều lĩnh vực, ông Erdogan đang nghiêng nhiều hơn về phía các đồng minh NATO, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với gánh nặng về quân sự, kinh tế và nhân đạo từ cuộc chiến Syria.
"Tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với tấn công vào NATO", ông Erdogan tuyên bố.
Cục diện thay đổi
Thổ Nhĩ Kỳ, từ khi cuộc chiến tại Syria nhen nhóm hơn 4 năm trước, đã hậu thuẫn cho các nhóm đối lập với tin tưởng rằng ông Assad sẽ nhanh chóng bị lật đổ. Tuy vậy, Ankara vẫn thất bại trong việc định hình các sự kiện tại quốc gia láng giềng.
Sau khi Nga tiến hành không kích tại Syria, tham vọng lâu nay của ông Erdogan trong việc thuyết phục các nước phương Tây thiết lập vùng an toàn tại bắc Syria dường như đã sụp đổ. Theo luật pháp quốc tế, vùng an toàn là khu vực trung lập, không có các chiến binh và dân thường được bảo đảm an toàn.
"Rõ ràng rằng, nếu một tháng trước, chúng ta bàn về vùng an toàn hoặc vùng cấm bay, thì đó có thể là ý kiến hay", Marc Pierini, cựu đại sứ Liên minh châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là học giả của Carnegie Europe tại Bỉ nhận xét. "Nhưng vào lúc này thì tôi sẽ nói rằng việc đó là không thể".
Ông Erdogan tới Bỉ tuần này để bàn với các lãnh đạo châu Âu về cuộc khủng hoảng di cư đang bao trùm châu Âu và tiếp tục thúc đẩy hình thành vùng an toàn tại bắc Syria. Đây được xem là giải pháp duy nhất để tạo lập sự ổn định tại Syria, ngăn dòng người tị nạn ngày một lớn đang đổ ra biển để tới châu Âu.
Các lãnh đạo châu Âu có thể "trả lời một cách lịch thiệp rằng đây là việc của Liên Hợp Quốc, không phải vấn đề EU có thể xử lý", ông Pierini nhận định. "Ý tưởng (của Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ hoàn toàn chìm nghỉm".
Hoạt động quân sự của Nga tại Syria có dấu hiệu gia tăng khi giới chức Moscow để ngỏ khả năng tình nguyện viên Nga có thể tới Syria tham chiến. Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lo ngại về dòng người tị nạn. Phó thủ tướng nước này, ông Numan Kurtulmus, cảnh báo có thể có một triệu người Syria nữa sẽ đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ, nước vốn đã đón nhận gần hai triệu người tị nạn.
Nga khẳng định ưu tiên hàng đầu của họ là chiến đấu chống IS, cùng mục tiêu với liên minh do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, phương Tây cho rằng Nga đã triển khai nhiều thiết bị quân sự không cần thiết để chống IS, như tên lửa đất đối không và máy bay đánh chặn, vì nhóm cực đoan không có chiến đấu cơ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nếu một vùng cấm bay hay vùng an toàn được thiết lập thì cũng sẽ bị Nga thách thức.
"Sự hiện diện của người Nga đã thay đổi cục diện tại Syria, bao gồm cả viễn cảnh về một vùng an toàn", Mensur Akgun, giám đốc Trung tâm Xu hướng Chính trị Toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ bình luận. "Không ai dám đối đầu với Nga".
Giới chức Nga đã bác bỏ cáo buộc cho rằng các hành động quân sự của họ tại Syria không nhắm vào IS. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria V. Zakharova khẳng định rằng những cáo buộc này nằm trong chiến dịch bóp méo thông tin chống lại Nga.
Theo bà Zakharova, các chiến binh Syria đang liên tục dịch chuyển hoặc hình thành những liên minh mới và đấu đá lẫn nhau. Nga sẽ không phân biệt những nhóm đó bởi họ coi chúng đều là phần tử khủng bố. "Nếu bọn họ nói, chiến đấu và hành động giống như khủng bố thì họ là khủng bố", bà Zakharova nói.
Quan hệ phức tạp
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Syria cho thấy mối quan hệ rất phức tạp giữa hai nước.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng trưởng nhưng thiếu năng lượng và phải dựa vào nguồn cung khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga và Iran. Một nửa lượng khí đốt của Ankara là nhập từ Moscow và Nga cũng có kế hoạch xây một nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần qua, ngay cả khi căng thẳng giữa hai nước về Syria gia tăng, bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định hai nước đang tiếp tục đàm phán về dự án đường ống khí đốt của Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nhờ đó có thể hưởng lợi từ giá mua thấp hơn.
Trong một chuyến thăm Moscow hồi tháng 9, ông Erdogan đã xuất hiện cùng ông Putin tại lễ khai trương một nhà thờ Hồi giáo lớn và ca ngợi Nga nỗ lực đóng góp vào hòa bình thế giới. Trong chuyến thăm đó, ông Erdogan cũng thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước. Ông cho biết thương mại song phương đã đạt 31 tỷ USD trong năm ngoái, và mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là nâng con số đó lên 100 tỷ USD vào năm 2023.
Ngay cả trước khi Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, Moscow đã là đồng minh quan trọng của ông Assad. Đây là thực tế mà nhiều nhà phân tích tin rằng đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể can thiệp trực diện hơn vào cuộc xung đột.
"Người Thổ Nhĩ Kỳ có sự miễn cưỡng đối đầu với người Nga ăn sâu từ lịch sử", ông Soner Cagapta, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện chính sách Cận Đông Washington, viết. "Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ ít khả năng đối đầu Moscow, ngay cả khi Nga đe dọa các lợi ích của họ, ví dụ như tại Syria, nơi Nga đang hậu thuẫn chính quyền Assad mà Ankara cố gắng lật đổ".
Dù vậy, theo NYTimes, Nga rõ ràng đang thể hiện sự sẵn sàng đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hai lần trong những ngày qua, dù theo giải thích của Moscow là do sai sót, Nga có thể muốn phát đi thông điệp cảnh báo rằng, bất kỳ đối thủ nào của ông Assad cũng không được xâm phạm chủ quyền Syria.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng, họ sẽ bắn hạ nếu máy bay tiếp tục xâm phạm không phận nước mình. Tuy nhiên theo ông Mensur Akgun, do những mối quan hệ sâu sắc về kinh tế về lịch sử với Nga, Ankara sẽ "cố gắng hết sức để tránh mọi dạng đối đầu với Moscow".
Hoàng Nguyên