Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khoá XV cũng là một nhà phân tích, nghiên cứu và tham mưu các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho Chính phủ và địa phương, trực tiếp soạn thảo nhiều chính sách về phát triển doanh nghiệp, đầu tư (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư) nhận định về bức tranh kinh tế năm 2022-2023:
- Việt Nam đã có những tín hiệu tốt trong phục hồi kinh tế vào cuối năm 2021. Ông có đánh giá gì về khả năng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022?
- Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức Quốc tế, dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2022 có nhiều khả quan hơn, sẽ đạt khoảng 6-6,5%. Tất nhiên, mức tăng trưởng này là phải đi kèm với điều kiện có giải pháp hỗ trợ phục hồi kịp thời, hiệu quả.
Với nhiều biện pháp phòng chống dịch phù hợp và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đã và sẽ sớm được ban hành, tôi cho rằng, năm 2022 là cơ hội để Việt Nam bứt phá tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, chúng ta gặp không ít thách thức, khi mà diễn biến của dịch bệnh Covid-19 còn nhiều phức tạp và khó lường. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.
- Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiệu quả hơn nữa, theo ông cần duy trì và thúc đẩy xây dựng những chính sách nào?
- Cuối năm vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, song song với kiểm soát dịch bệnh, như: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kinh tế xã hội 2022 và hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19, với tổng quy mô chính sách chi hỗ trợ là khoảng 269.464 tỷ đồng (3,2% GDP).
Một số chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã phát huy kết quả tốt, được đánh giá cao như Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Qua đó, sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá đã được khôi phục tích cực, thúc đẩy phục hồi kinh tế trong quý IV/2021.
Trong thời gian sớm tới đây, kỳ họp Quốc hội bất thường sẽ thông qua các giải pháp tài khóa và tiền tệ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Chính phủ đồng thời sẽ ban hành chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19. Đây sẽ là những chính sách góp phần trực tiếp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế, với mức độ hỗ trợ có quy mô đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm và đúng đối tượng.
- Trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, trong khi tỷ lệ nợ công trên GDP hiện ở mức 44%. Như vậy, Việt Nam còn dư địa để vay vốn tiếp, ông có thể chia sẻ thêm về chính sách tài khóa trong những năm tới?
- Chính phủ đã trình Quốc hội để thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với nguyên tắc mức độ hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm và đúng đối tượng nhưng đồng thời kết hợp chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ nhưng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Chương trình đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong hai năm giai đoạn 2022-2023 như sau: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh (60.000 tỷ); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh (110.000 tỷ); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, sử dụng hiệu quả hơn các quỹ tài chính ngoài NSNN.
Theo đánh giá của Chính phủ về tác động của giải pháp hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đế kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia và nợ công thì bội chi NSNN bình quân 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, nợ công đến cuối 2025 là 49-50% GDP; nợ chính phủ khoảng 45-46% GDP và trợ nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể có năm vượt 25%
- Còn chính sách tiền tệ có cần nới lỏng để giải cứu doanh nghiệp và đấy mạnh tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
- Thực tế, dư địa hạ lãi suất vẫn còn nhưng không nhiều. Hơn nữa, Việt Nam đối mặt với rủi ro lạm phát, nhất là trong năm 2022. Vì vậy, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, phối hợp linh hoạt, chặt chẽ và hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
- Với kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch Covid-19, ông có nhận định như thế nào về tính cần thiết xây dựng quy trình chủ động ứng phó và có phản ứng phù hợp với những trường hợp khẩn cấp, để định lượng rủi ro khi có khủng hoảng, đại dịch, hay thảm họa khác?
- Dịch Covid-19 đã cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao năng lực ứng phó, thích ứng của các quốc gia và xã hội trước những tác động của nhiều yếu tố bất định, khó dự đoán khác. Khả năng thích ứng, năng động còn cần thiết đối với cả doanh nghiệp và người dân. Trong dịch bệnh Covid vừa qua, chúng ta đã có tiền lệ tốt với những quy trình "thành văn" về kiểm soát dịch bệnh, như Nghị quyết 128 đã nhắc ở trên, và ngay lập tức, đã góp phần tích cực cho ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo kinh nghiệm của một quốc gia, khi xây dựng chính sách, quy định, họ đã áp dụng nguyên tắc ‘future proof’ (dự tính cho tương lai), tức là tự động áp dụng, có hiệu lực khi xảy ra sự kiện nhất định và không áp dụng khi sự kiện đó không còn nữa. Khi quy trình được chính thức hóa sẽ giúp cho cả người dân, doanh nghiệp có thể chủ động đưa ra kế hoạch tốt hơn, dài hạn hơn cho bản thân và sản xuất kinh doanh. Như vậy, đây là nhiệm vụ cần thiết hỗ trợ trực tiếp cho việc nâng cao khả năng ứng phó, thích ứng của Nhà nước và xã hội.
Còn trước mắt, Chính phủ cần sớm ban hành Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 và duy trì, ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.
Tuấn Thủy