Từ trước Tết, tôi đã đi làm bằng metro. Tôi xuống ga Bến Thành rồi đi bộ một cây số đến công ty. Một đoạn đường chẳng dài, nhưng chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi đi từ ga ĐHQG - đến ga Bến Thành 20 km.
Công ty cách ga Bến Thành một cây số. Đặt xe công nghệ thì đường ngắn, ngại với bác tài. Tôi chấp nhận đi bộ. Bỏ qua yếu tố nắng nóng, đổ mồ hôi như nhiều người nói, đoạn đường một cây số thôi nhưng không thể đi trên vỉa hè được, cứ phải đi xuống lòng đường rồi mới lên vỉa hè...
Vỉa hè có đấy, nhưng bị các hàng quán lấn chiếm, dựng xe máy hết rồi hoặc kê đồ đạc. Hôm rồi, có người chạy xe ngược chiều trên vỉa hè còn bấm còi đòi tôi phải nép vào nhường đường cho ông ấy đi.
Câu chuyện này không cá biệt. Câu chuyện thứ hai: Gần nhà, có khu dân cư với vỉa hè rộng rãi nhưng buổi sáng, ai đi tập thể dục cũng phải chạy dưới lòng đường. Không phải vì thích, mà vì vỉa hè đã biến thành bãi giữ xe, nơi bán hàng rong hoặc đơn giản là "sân vườn" của một ai đó.
Câu chuyện thứ ba: Một bác hàng xóm từng bảo tôi: "Vỉa hè để không ai đi đâu, tất đất tất vàng, bày vài chậu cây cho đẹp". Nói vậy nghe cũng có lý, nhưng chính suy nghĩ này góp phần biến vỉa hè, vốn dành cho người đi bộ, thành không gian của bất cứ thứ gì, trừ người đi bộ.
TP HCM từng kỳ vọng thu hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm từ việc cho thuê vỉa hè, lòng đường. Nhưng sau hơn một năm, con số thu chỉ khoảng 7 tỷ đồng. Chưa kể là những vấn đề xung đột với luật giao thông.
Có nhiều nguyên nhân để giải thích lý do. Chúng ta hay so sánh với các nước phát triển, nơi người dân đi bộ thoải mái trên những vỉa hè thông thoáng. Nhưng muốn được như thế, điều đầu tiên là phải có... vỉa hè để mà đi đã.
Và để có vỉa hè đúng nghĩa, cần thay đổi từ tư duy đến hành động: người dân phải tôn trọng không gian chung, cơ quan chức năng cần kiên quyết lập lại trật tự, và mỗi người hãy thử một lần đặt chân xuống đường, để thấy việc đi bộ trên vỉa hè, điều tưởng chừng hiển nhiên, lại khó khăn đến thế nào.
T.R