Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn trường THCS - THPT Hoa Lư, TP HCM, chia sẻ quan điểm về đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT đợt 1.
Ngày 10/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đáp án nhận được nhiều bình luận trái chiều của học sinh, giáo viên. Có người cho rằng, đáp án năm nay nhẹ nhàng, tạo điều kiện cho học sinh có thể lấy điểm tối đa. Nhiều người lại nhận định đáp án quá "thoáng", nhiều chỗ thiếu chặt chẽ, chưa hợp lý.
Là giáo viên Ngữ văn, tôi xin có đôi lời gửi gắm thầy cô giám khảo - những người cầm cân nảy mực, cân nhắc kỹ càng khi chấm thi nhằm tạo sự công bằng ở mức cao nhất cho tất cả các thí sinh.
>>Xem đề thi Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Phần đọc hiểu, học sinh trả lời đúng câu nhận biết (câu 1, 2) theo đáp án thì được 1,5 điểm cho hai câu là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, những năm trước, thang điểm câu nhận biết (câu 1) chỉ chiếm 0,5 điểm; năm nay tăng thêm 0,25 khiến nhiều người băn khoăn vì mức độ câu hỏi rất dễ, chỉ là "nhận biết".
Câu 3, đáp án gợi ý, dòng chảy của nước: "Chậm rãi, hiền hòa; cuộc sống của con người thanh bình, yên ả; dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hòa". Nhìn chung, học sinh trung bình, yếu có thể trả lời đúng như đáp án, nhưng học sinh khá, giỏi thì không chỉ dừng lại ở đó.
Bởi căn cứ vào ngữ liệu: "Một ông lão băng qua cây cầu, một cố gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng", thí sinh có thể trả lời không như gợi ý của đáp án.
Các em có thể trình bày, dòng sông chầm chậm, mãi xanh; cuộc sống con người thì muôn màu muôn vẻ thể hiện qua các nhân vật ông lão, cô gái trẻ và đôi tình nhân; dòng chảy của nước ẩn dụ cho dòng đời, thân phận và xã hội.
Câu 4, đáp án gợi ý "Hành trình từ sông ra biển của nước: Hình thành lực đẩy, mạnh mẽ, xuyên qua núi; chứng kiến cuộc sống con người; hình thành vùng châu thổ trước khi đổ ra biển. Thí sinh rút ra bài học phù hợp. Có thể rút ra bài học theo hướng: mạnh mẽ, vượt khó; gắn bó, hòa nhập; đóng góp, cống hiến...".
Tôi cho rằng, đáp án này thừa ý thứ nhất "Hành trình từ sông ra biển của nước...", bởi đề thi chỉ yêu cầu thí sinh rút ra những bài học về lẽ sống từ văn bản đọc hiểu. Vậy nên thí sinh chỉ cần rút ra những bài học về lẽ sống miễn sao phù hợp là đạt yêu cầu. Còn giám khảo chỉ căn cứ vào đáp án thì học sinh sẽ bị trừ oan 0,25 điểm (trên tổng số 0,5 điểm) ở câu này.
Tôi cũng không biết vì sao đáp án câu 4 chỉ chiếm 0,5 điểm, trong khi đây là câu hỏi ở mức vận dụng. Ngược lại, câu nhận biết (câu 1, câu 2), học sinh chỉ cần chép lại đúng ngữ liệu thì được 0,75 điểm mỗi câu. Như thế, thang điểm phân bổ không theo ma trận: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng; kéo theo đáp án này có lợi cho học sinh trung bình, yếu nhưng lại thiệt thòi cho học sinh khá giỏi.
Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu trình bày về "sự cần thiết" phải biết sống cống hiến, nhưng đáp án chưa thể hiện được "sự cần thiết", mà chỉ nêu "ý nghĩa". Cụ thể đáp án nêu: "Sống cống hiến thể hiện trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, làm cho cuộc sống của bản thân có ý nghĩa, được yêu mến, trân trọng; góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy xã hội phát triển".
Hai nội dung này hoàn toàn khác nhau. Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (Viện Ngôn ngữ học, 2018) mục từ "cần thiết" có nghĩa: "Cần đến mức không thể nào không làm hoặc không có". Theo nghĩa này thì đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ mới nói được giá trị (cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó, theo Từ điển Tiếng Việt) mà thôi.
Phân tích về "sự cần thiết" là yêu cầu khó, thí sinh phải chỉ ra được ý "buộc phải có, buộc phải làm" của đối tượng, hành vi. Vậy nên, thí sinh khá, giỏi sẽ làm tốt hơn nhiều so với đáp án này, giám khảo nên cân nhắc, tránh rập khuôn, sẽ gây bất lợi cho các em.
Ngoài ra, đáp án ý phụ của câu nghị luận văn học cũng khiến nhiều thí sinh, giáo viên không đồng tình. Câu hỏi yêu cầu, cảm nhận về đoạn thơ trong bài Sóng (Xuân Quỳnh), từ đó nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
Còn đáp án là, vẻ đẹp nữ tính: "Dịu dàng, ý nhị mà nồng nàn; mãnh liệt; hồn nhiên, trực cảm mà sâu lắng, suy tư. Vẻ đẹp nữ tính góp phần thể hiện phong cách thơ Xuân Quỳnh".
Thực ra, vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh là một câu hỏi mở, phạm vi đề cập khá rộng. Ở trang 154 sách Ngữ văn 12 (tập 1), viết: "Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường". Vậy nên, thí sinh có thể dựa vào đây để trả lời. Hoặc vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh đó là những dự cảm lo âu, bất ổn ngay trong đằm thắm, khát khao.
Nhìn chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án Ngữ văn cũng chỉ là gợi ý tham khảo. Các địa phương trước khi chấm chắc chắn sẽ phải dựa vào hướng dẫn chấm của Bộ rồi thống nhất ý kiến trong tổ chấm mới phiên ra thang điểm cuối cùng. Mong giám khảo hãy cân nhắc thật kỹ khi chấm bài thi Ngữ văn nhằm tạo sự công bằng cao nhất cho thí sinh.
Tổng số thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay hơn 1.021.000, nhiều hơn năm trước khoảng 100.000. Trong đó, số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55% và xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%. Hiện, còn khoảng 23.500 thí sinh chưa thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của Covid-19. Những em này sẽ thi đợt 2 với lịch cụ thể được thông báo sau.
Phan Thế Hoài
Giáo viên Ngữ văn trường THCS - THPT Hoa Lư, TP HCM