TS Nguyễn Quang Trung, trường THPT Xa La (hệ thống giáo dục Hà Nội - Thăng Long), nguyên Tổ trưởng các bộ môn Khoa học xã hội trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, nhận xét đề Ngữ văn năm nay có một mạch hay. "Nếu nhìn tách từng phần từng câu thì không có gì đặc sắc, nhưng kết nối lại thì thấy nảy ra mạch như sau: Dòng chảy của nước - dòng chảy của cuộc sống con người - dòng chảy của tình yêu. Điều này tạo tính liên tục của mạch chảy cảm xúc - tư duy qua các phần trong đề, gây cảm hứng thích thú cho thí sinh, nhất là những em có năng lực khá về môn Ngữ văn", thầy Trung nói.
Cũng thầy giáo, đề có cấu trúc quen thuộc, các ngữ liệu và hệ thống câu hỏi đạt tính an toàn cao, phù hợp với trọng tâm chương trình và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, đồng thời vẫn có câu hỏi mang tính phân loại cao. Tuy nhiên, ngữ liệu bài đọc hiểu diễn đạt chưa thanh thoát (có thể do nguyên tác hoặc người dịch). Do cấu trúc đề quen thuộc, thầy Trung đặt câu hỏi "Phải chăng lâu lắm rồi ta thiếu những đề ra thật tài hoa, kích thích tư duy và cảm hứng của sĩ tử"?
Cô Hồ Ái Linh, giáo viên Văn trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TP HCM) nhận xét, đề thi Ngữ văn có cấu trúc giống đề tham khảo, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Nội dung câu hỏi cơ bản, không đánh đố thí sinh. Phần đọc hiểu, nội dung mang ý nghĩa nhân văn khi nói về dòng chảy của cuộc sống con người, học sinh có thể tưởng tượng, triển khai bài làm với kiến thức mở.
Câu hỏi nghị luận xã hội bàn về một vấn đề thiết thực trong cuộc sống, phù hợp với phần lớn học sinh, đó là sự cần thiết phải cống hiến. Chủ đề này phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, khi đất nước luôn cần sự cống hiến mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Riêng câu nghị luận văn học với bài thơ "Sóng" có ý phân loại học sinh. Đề khá nhẹ nhàng khi yêu cầu phân tích và có trích thơ.
"Nhìn chung đây là một đề thi phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng", cô Linh nói.
Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên môn Văn tại Tuyensinh247, cho rằng đề Ngữ văn năm nay giữ nguyên cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi tháng 3. Thí sinh học lực trung bình, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm 5- 6, đảm bảo mục tiêu tốt nghiệp tốt nghiệp. Những em khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.
Phần I đọc hiểu, đề cung cấp văn bản với dung lượng vừa phải, đưa ra 4 câu hỏi với các mức độ từ nhận biết (câu 1 và 2) đến mức độ thông hiểu (câu 3) và vận dụng (câu 4). Dù ở mức độ nào, các câu hỏi đều quen thuộc, không khó, thí sinh có thể dễ lấy 2-2,5 điểm.
Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội ra vấn đề "sự cần thiết phải biết sống cống hiến" liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I. Để hoàn thành câu này, thí sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu, phân tích được những biểu hiện và ý nghĩa của lẽ sống cống hiến; lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa, biết phê phán những biểu hiện trái ngược và những cách hiểu chưa đúng về lẽ sống cao đẹp. Cuối cùng, thí sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực.
Theo cô Phương, ở câu này, thí sinh phải biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản, đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.
Câu nghị luận văn học với bài thơ "Sóng" đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn thực sự hiểu về phong cách nghệ thuật của nhà thơ, nét đẹp riêng trong thơ của nữ sĩ. Thí sinh phải làm nổi bật vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. "Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản nên phổ điểm sẽ khoảng 3. Những học sinh khá giỏi, có năng lực cảm thụ và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4", cô Phương nói.
Năm 2021, cả nước có hơn 1.021.340 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm ngoái 100.000. Số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt. Đợt 1 có khoảng một triệu thí sinh, đợt 2 có 14.400 em do nằm trong diện F0, F1, F2 hoặc ở vùng phong tỏa. Thời gian thi đợt 2 chưa được xác định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Thí sinh ở cả hai đợt sẽ làm ba bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn thi tự luận, các bài thi còn lại đều làm trắc nghiệm.
Mạnh Tùng - Thanh Hằng - Dương Tâm - Xuân Ngọc - Võ Thạnh