-
9h35
Phiên chất vấn các Bộ trưởng lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông kết thúc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong 190 phút, có 124 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 35 đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn và tranh luận. 6 bộ trưởng và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã trả lời.
Ông Huệ đề nghị 99 đại biểu đã đăng ký chất vấn và tranh luận nhưng chưa phát biểu gửi nội dung quan tâm đến thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.
-
9h30
Sẽ trình Quốc hội đại dự án chấn hưng văn hóa
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ, lao động... đều cần tiếp cận liên ngành. Nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn cho thấy yêu cầu và đòi hỏi bức thiết của nhân dân, cử tri, nhưng tiến độ đặt ra chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. "Chính phủ sẽ trình Quốc hội đại dự án Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa để xây dựng văn hóa xứng đáng với vai trò của mình", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay.
Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, ông Hà nói sẽ kiên định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao. "Chúng tôi sẽ cân nhắc đánh giá vấn đề xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tự chủ", ông nói.
Khoa học công nghệ cũng sẽ được đổi mới toàn diện, hình thành trung tâm khoa học công nghệ. Nhà nước sẽ đầu tư các trung tâm đủ mạnh để nghiên cứu khoa học cơ bản, xây dựng cơ chế nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ.
"Nhất thiết phải tái cấu trúc nền kinh tế sang xanh, tuần hoàn, carbon thấp, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao bởi đây vừa là tài nguyên, vừa là động lực mới", ông Hà nói.
-
9h25
Giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn
Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cho rằng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học. Tuy nhiên, việc xã hội hóa sách giáo khoa thời gian qua có nhiều vấn đề cần đặt ra.
"Xã hội hóa gì mà giá sách giáo khoa không những không hạ mà ngày càng tăng. Đây là điều rất bất cập", ông Hòa nói, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa để cạnh tranh với các nhà xuất bản.
Theo ông Hòa, trước đây học sinh nói mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, bây giờ thì mỗi năm đến trường phụ huynh lòng man mác buồn bởi mua sách giáo khoa tăng giá. Ông cho rằng Nhà nước biên soạn sách giáo khoa để hướng đến mục tiêu xa hơn là học sinh được trợ cấp hoàn toàn mua sách giáo khoa, thậm chí là miễn học phí cho học sinh phổ thông.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong thực tế, giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính, duyệt giá là dựa trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.
Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp.
Quan điểm ông đã nói là từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất là cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách cho lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách cho năm học tới. Còn vấn đề SGK, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất và cố gắng 1, 2 năm tới khi chu trình đổi mới sách hoàn tất sẽ đánh giá sâu và đề đạt phương án trình Quốc hội sau.
-
9h10
Tăng cường sản phầm báo chí chất lượng cao để thu phí
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nói cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí. "Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Thông tin Truyền thông giải quyết vấn đề này trong quý 3/2023, nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được. Khi nào Bộ trưởng hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng và về lâu dài thì cần những chính sách đột phá gì", ông Nghĩa chất vấn.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây nguồn thu của báo chí 100% dựa trên quảng cáo, nên chưa quan tâm nhiều đến vấn đề đặt hàng. Tuy nhiên, hiện truyền thông xã hội đã lấy đi 70% nguồn thu ấy của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí lúc này mới bắt tay vào công tác đặt hàng thì lại gặp vướng mắc, trong đó có liên quan đến 3 Thông tư mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành trước đây về định mức kinh tế kỹ thuật.
"Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận ra được vấn đề này và xin nhận trách nhiệm. Thời gian qua, Bộ đã chủ động làm việc với các cơ quan báo chí, các cơ quan của Bộ để tìm ra hướng giải quyết", ông Hùng nói.
Trước mắt, Bộ sẽ sửa 3 Thông tư theo hướng ban hành hướng dẫn các cơ quan báo chí chủ động xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi các nội dung liên quan đến Nghị định 60 để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Về lâu dài, ông Hùng cho rằng phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của cơ quan báo chí; tăng cường đặt hàng, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao có thu phí.
-
9h10
Các trường thiếu kinh phí vận hành, quản lý bể bơi
Đại biểu Lê Văn Khảm (Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội) nêu thực trạng hàng năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Một trong những biện pháp khắc phục là phải dạy trẻ bơi an toàn, tuy nhiên tỷ lệ trường học có bể bơi còn thấp, việc dạy bơi chưa được đẩy mạnh.
Ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi theo chuẩn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, từ năm 2021, Bộ đưa ra kế hoạch về hướng dẫn dạy bơi cho học sinh, chống đuối nước tại các trường học. Tới nay, tỷ lệ học sinh được học bơi, biết bơi là 33,6%, tức số học sinh chưa biết bơi vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tại các trường tư, cơ chế tài chính tốt nên việc dạy bơi triển khai tốt hơn so với trường công.
Hiện cả nước có 2.184 trường có bể bơi trong trường học. Vướng mắc lớn nhất là nhiều trường học không có bể bơi để tập, nhiều trường có bể bơi nhưng không vận hành vì thiếu kinh phí.
"Vấn đề chính là kinh phí vận hành, quản lý bể bơi gặp vướng. Tới đây chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tìm cách tháo gỡ", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam thường đứng nhóm đầu về tỷ lệ đuối nước trong khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng đã có công điện giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch dạy bơi, chống đuối nước trong trường học. Hai năm qua, tỷ lệ trẻ đuối nước giảm đi, năm 2022 giảm 5% khoảng hơn 100 cháu.
"Giải pháp dạy bơi trong trường học còn nhiều hạn chế song cũng đã có kết quả bước đầu, cần khuyến khích mở rộng. Bộ sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực để có thiết bị dạy bơi cho trẻ", ông Dung thông tin.
Liên quan tới vấn đề thiếu giáo viên theo ý kiến của đại biểu Leo Thị Lịch (Thường trực Hội đồng Dân tộc), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết cần giải pháp đồng bộ để giải quyết. Ông thừa nhận, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều hơn tại khu vực miền núi, vùng sâu và bậc mầm non, tiểu học.
Vừa qua, trên 3.000 điểm trường tại nhiều địa phương vùng sâu được dồn lại nên khắc phục một phần việc thiếu giáo viên. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, dồn điểm trường ở những nơi có thể thực hiện.
Bộ trưởng Kim Sơn đề nghị việc cắt giảm 10% biên chế viên chức không nên cào bằng ở các địa phương để đảm bảo đủ giáo viên, bớt khó khăn cho ngành giáo dục. Bộ cũng sẽ tăng các giải pháp về chuẩn bị nguồn đầu vào để khi cần các khu vực vùng núi, vùng sâu xa có thể tuyển dụng thêm giáo viên.
-
8h55
Lao động Việt đi nước ngoài đem lại nguồn lợi đến 4 tỷ USD
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Thường trực Ủy ban Xã hội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu kế hoạch đảm bảo xuất khẩu lao động với cơ cấu hợp lý để vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa không làm gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động tại Việt Nam, đặc biệt là tại các khu công nghiệp của các thành phố lớn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin mỗi năm, 120.000-140.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài, riêng năm 2023 đến nay đã có 112.000 người đi, cao nhất là Nhật Bản 55.000 và Đài Loan 30.000 người. Bình quân mỗi năm lực lượng lao động này đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5-4 tỷ USD.
Bộ trưởng Dung cho biết thời gian tới sẽ xây dựng trang thông tin, sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài khi người lao động về nước để bố trí công việc; bổ sung hình thức lao động ngắn hạn, thời vụ, theo mùa để tận dụng năng lực sở trường. Bộ cũng tạo điều kiện để các trường hợp này được vay vốn, sản xuất kinh doanh và mở công xưởng, thu hút lao động có kỹ năng về nước.
Theo ông Dung, mỗi năm ngành lao động phải giải quyết việc làm cho 1,6-1,7 triệu lao động trong nước, lực lượng lao động đi nước ngoài chiểm khoảng 10% con số này. "Quy mô này là vừa phải, căn cứ vào cung cầu lực lượng lao động trong nước", ông Dung nói.
-
8h45
'Không thể chấp nhận thói trịch thượng, bôi nhọ phim Đất rừng phương Nam'
Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết căn cứ Luật Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim quốc gia đã thẩm định, kết luận phim Đất rừng phương Nam không vi phạm pháp luật. Phim được cấp phép, phổ biến.
"Vì vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn trọng Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Trong trường hợp phát hiện Hội đồng làm sai và vi phạm pháp luật thì lúc đó mới có biện pháp xử lý tiếp theo", ông Hùng nói.
Khi bộ phim chiếu thử, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch rất thận trọng trước tranh luận trên mạng xã hội và ý kiến đóng góp khác.
"Tôi đã yêu cầu Hội đồng thẩm định phim quốc gia xem xét, tiếp thu hợp lý ý kiến dư luận phản ánh", ông Hùng nói và cho hay sau đó Hội đồng họp lại cũng các cơ quan hữu quan, khẳng định phim đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động. Vì vậy, cá nhân ông và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn trọng nguyên tắc này, bởi Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác thẩm định phim.
Về đề nghị xem xét xử lý người xúc phạm, bôi xấu phim Đất rừng phương Nam, Bộ trưởng Hùng phân trần "có lẽ do tôi nói tiếng miền Trung nên không rõ lắm hay sao". Ông nhấn mạnh "nếu có các biểu hiện bôi nhọ và bêu xấu thì phải được nghiêm túc xử lý".
"Bởi chúng ta có Luật An ninh mạng, có quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chúng tôi nhận thức khen chê, có ý kiến khác nhau với tác phẩm điện ảnh trong dư luận là hết sức bình thường, nhưng trong văn hóa ứng xử chúng ta không thể chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, quy chụp, bôi xấu, bôi nhọ, nhân danh chỗ này chỗ khác để nói", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Ông Hùng dẫn câu "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". "Tôi nói nếu có biểu hiện bôi nhọ, bêu xấu thì cần được xử lý", ông nhắc lại quan điểm.
-
8h30
Cần cơ chế đặc thù với lĩnh vực khoa học công nghệ
Chất vấn cuối ngày 7/11, đại biểu Trần Kim Yến (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM) nêu việc thanh, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) mất nhiều thời gian, dẫn tới hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học. Bà đề nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết các nhiệm vụ KHCN khi thanh toán phải tuân thủ quy định về kế toán, ngân sách Nhà nước và đấu thầu. Thời gian qua, nhiều quy định về khoán chi, đơn giản hoá thủ tục, kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước được đưa ra, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí tại bộ, ngành.
Do đó, nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi hợp pháp, thực hiện thủ tục liên quan tới đấu thầu, mua sắm và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về sử dụng ngân sách. Điều này giải thích vì sao hồ sơ thanh quyết toán nhiều hơn hồ sơ khoa học.
"Bản chất hiệu quả hoạt động nghiên cứu là có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, sản phẩm khoa học công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình khó lượng hóa rõ ràng, nhưng quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn gắn với kiểm soát chứng từ chi tiêu", ông Đạt nói.
Thực tế, Kho bạc Nhà nước không kiểm soát chi, nhưng khối lượng chứng từ chi tiêu, đấu thầu mua sắm phải lưu giữ gần như không thay đổi so với phương thức khoán chi từng phần.
Để tháo gỡ toàn diện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng cần áp dụng cơ chế đặc thù với lĩnh vực khoa học công nghệ so với dòng chi khác trong phân bổ, giao dự án đấu thầu, thanh quyết toán, yêu cầu về chứng từ chi tiêu thanh tra, kiểm tra và xem xét trách nhiệm đơn vị dự toán ngân sách. "Nếu không làm được điều này, khó có được cơ chế tài chính thực sự cởi trói, đơn giản hóa cho các nhà khoa học trong thanh, quyết toán nhiệm vụ KHCN", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa Thông tư liên tịch 27 về khoán chi, kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 95 và đề xuất quan điểm giải quyết căn cốt những nội dung này khi sửa Luật Khoa học Công nghệ sắp tới. Bộ cũng sẽ tăng ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo công khai, minh bạch.
-
8h20
Nghiên cứu bố trí chuyên trách tư vấn tâm lý học sinh tại trường học
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Bí thư Quận ủy quận 1, TP HCM) đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính và Chính phủ thể chế hóa việc chi cho Đoàn Đội bằng những quy định pháp luật. Theo bà, cần có ưu tiên cho hoạt động này, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề, nguy cơ phát sinh bạo lực. Bộ cũng tập huấn kỹ năng cho giáo viên phụ trách về vấn đề này; bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; triển các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mong có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. "Nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam", ông Sơn nói.
-
8h15
Cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm quá mức gây tốn kém
Trả lời câu hỏi về vấn đề lạm dụng xét nghiệm tại cơ sở y tế được đại biểu đặt ra hôm qua, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói trong lĩnh vực y khoa, thiết bị hiện đại hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi sau điều trị. Hiện nay, rất nhiều thiết bị tốt được đưa vào sử dụng để phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu, gia tăng cơ hội điều trị. Vì vậy, ngành y tế đã tăng cường trang thiết bị phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, bà thừa nhận có tình trạng lạm dụng, xét nghiệm quá mức cần thiết với người bệnh, gây tốn kém về chi phí và tạo tâm lý không tốt cho người bệnh. Cùng với đó, việc xét nghiệm, sử dụng kỹ thuật cao quá mức ảnh hưởng đến quỹ BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Nguyên nhân chính là nhận thức, trình độ của người chỉ định xét nghiệm chưa tốt, muốn nhanh, muốn chính xác nên đẩy việc xét nghiệm nhiều hơn. Trước đây, ngành y tế cũng áp dụng xã hội hóa, liên doanh, liên kết nhiều, nên đẩy xét nghiệm lên để thu hồi được nhiều tiền bỏ ra. Thời gian qua, việc này đã được phát hiện qua nhiều vụ việc, vụ án và đã được chấn chỉnh.
Một lý do nữa là bản thân người bệnh cũng có nhu cầu được xét nghiệm. Bộ Y tế từng phải giải quyết vụ người dân kiện "tháng trước đi khám chưa phát hiện bệnh mà giờ để thế này". Nếu không có xét nghiệm phù hợp thì người dân không hài lòng.
Để khắc phục, Bộ Y tế đã chỉ đạo tránh lạm dụng xét nghiệm. Luật Khám chữa bệnh vừa được thông qua đã điều chỉnh vấn đề này. Chính phủ cũng có chỉ đạo để tránh việc người dân xét nghiệm nhiều lần gây tốn kém.
Các thông tư, quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật, trần thanh quyết toán, giám định thanh toán BHYT, liên thông về công nghệ thông tin giữa cơ quan bảo hiểm với cơ sở y tế để kiểm soát chi phí cũng được triển khai.