Phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 8/11 mở đầu với phần tranh luận của đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh) với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về dư luận xung quanh phim Đất rừng phương Nam.
Chiều qua, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói phim Đất rừng phương Nam được Hội đồng thẩm định phim quốc gia cấp phép theo đúng Luật Điện ảnh. Phim không vi phạm pháp luật. "Dư luận cho rằng phim có biểu hiện này, biểu hiện khác là chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý nếu có hành vi xúc phạm, bôi xấu", ông Hùng nói.
"Đánh giá của Bộ trưởng về dư luận như vậy là chưa thỏa đáng và cần nhìn nhận lại", ông An nói.
Theo ông, dư luận xã hội là hình thức biểu hiện trạng thái ý thức của xã hội rất bình thường. Dư luận có đúng, có sai, tốt, xấu "nhưng không phải ý kiến nào được nêu ra cũng để đánh cho ai đó chết mà để góp ý, nêu quan điểm và làm mọi thứ rõ ràng, tốt đẹp hơn".
Vì vậy, ông An cho rằng không nên đánh đồng các ý kiến dư luận trong việc bảo vệ lịch sử, chân thực, giá trị... Cơ quan quản lý cần lắng nghe dư luận để điều chỉnh khi cần thiết, "bởi không có lửa làm sao có khói, cần tránh bỏ qua hoặc coi thường dư luận, để thành vấn đề nóng rồi mới có động thái là không ổn".
Bộ trưởng Hùng nói phim được Hội đồng thẩm định phim quốc gia cấp phép nhưng phải sửa sau khi lắng nghe dư luận. "Tôi cho rằng như vậy là chất lượng kiểm định của Cục Điện ảnh chưa cao. Nội dung sai thì phải sửa, cắt bỏ chứ không phải đổi tên là xong. Nói sửa tên để tránh gây liên tưởng đến lịch sử chỉ là một nửa, còn một nửa là bản chất của lịch sử phải chân thực vì đó là câu chuyện của một dân tộc và trách nhiệm giáo dục truyền thống không thể xem nhẹ", ông An phản biện.
Ông nói phim có thể lấy cảm hứng từ mọi nguồn nhưng với lịch sử phải chân thực, trung thực, không được làm méo mó. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là nhận ra đâu là hành vi sai trái để xử lý, đâu là dư luận đúng đắn để tôn vinh.
Với lĩnh vực văn hóa ngoài câu chuyện phim ảnh, còn nhiều vấn đề như nhiều cuộc thi sắc đẹp "có cần thiết cho xã hội hay không?". "Cần lắng nghe dư luận để có chính sách phù hợp chứ không phải chăm chăm đi xử lý", đại biểu Trịnh Xuân An kết thúc bài tranh luận.
Trả lời, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết căn cứ Luật Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim quốc gia đã thẩm định, kết luận phim Đất rừng phương Nam không vi phạm pháp luật. Phim được cấp phép, phổ biến.
"Vì vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn trọng Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Trong trường hợp phát hiện Hội đồng làm sai và vi phạm pháp luật thì lúc đó mới có biện pháp xử lý tiếp theo", ông Hùng trả lời đại biểu An.
Bộ trưởng Hùng nói khi bộ phim chiếu thử, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch rất thận trọng trước tranh luận trên mạng xã hội và ý kiến đóng góp khác. Ông đã yêu cầu Hội đồng thẩm định phim quốc gia xem xét, tiếp thu hợp lý ý kiến dư luận phản ánh, sau đó Hội đồng họp lại cùng các cơ quan hữu quan, khẳng định phim đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động. Vì vậy, cá nhân ông và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn trọng nguyên tắc này, bởi Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác thẩm định phim.
Về đề nghị xem xét xử lý người xúc phạm, bôi xấu phim Đất rừng phương Nam, Bộ trưởng Hùng phân trần "có lẽ do tôi nói tiếng miền Trung nên không rõ lắm hay sao". Ông nhấn mạnh quan điểm "nếu có các biểu hiện bôi nhọ và xúc phạm thì phải được nghiêm túc xử lý".
"Chúng ta có Luật An ninh mạng, có quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Ý kiến khác nhau với tác phẩm điện ảnh trong dư luận là hết sức bình thường, nhưng trong văn hóa ứng xử chúng ta không thể chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, quy chụp, bôi xấu, bôi nhọ, nhân danh chỗ này chỗ khác để nói", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và dẫn câu "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
"Tôi nói nếu có biểu hiện bôi nhọ, bêu xấu thì cần được xử lý", ông nhắc lại quan điểm.
Giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn
Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhận được nhiều câu hỏi và tranh luận chủ yếu về giá sách giáo khoa và thiếu giáo viên.
Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận rằng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học. Tuy nhiên, việc xã hội hóa sách giáo khoa thời gian qua có nhiều vấn đề.
"Xã hội hóa gì mà giá sách giáo khoa không những không hạ mà ngày càng tăng. Đây là điều rất bất cập", ông Hòa nói, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa để cạnh tranh với các nhà xuất bản.
Theo ông Hòa, trước đây học sinh nói mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, bây giờ thì mỗi năm đến trường phụ huynh lòng man mác buồn bởi mua sách giáo khoa tăng giá. Ông cho rằng Nhà nước biên soạn sách giáo khoa để hướng đến mục tiêu xa hơn là học sinh được trợ cấp hoàn toàn mua sách giáo khoa, thậm chí là miễn học phí cho học sinh phổ thông.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận thực tế giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính, duyệt giá là dựa trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.
Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp.
Quan điểm ông đã nói là từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất là cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách cho lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách cho năm học tới. Còn vấn đề sách giáo khoa, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất và cố gắng một vài năm tới khi chu trình đổi mới sách hoàn tất sẽ đánh giá sâu và đề đạt phương án trình Quốc hội sau.
Phản hồi ý kiến của đại biểu Leo Thị Lịch (Thường trực Hội đồng Dân tộc) về thiếu giáo viên, Bộ trưởng Sơn cho biết cần giải pháp đồng bộ để giải quyết. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều hơn tại khu vực miền núi, vùng sâu và bậc mầm non, tiểu học.
Vừa qua, trên 3.000 điểm trường tại nhiều địa phương vùng sâu được dồn lại nên khắc phục một phần việc thiếu giáo viên. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục sắp xếp, dồn điểm trường ở những nơi có thể thực hiện.
Bộ trưởng Kim Sơn đề nghị việc cắt giảm 10% biên chế viên chức không nên cào bằng ở các địa phương để đảm bảo đủ giáo viên, bớt khó khăn cho ngành giáo dục. Bộ cũng sẽ tăng các giải pháp về chuẩn bị nguồn đầu vào để khi cần các khu vực vùng núi, vùng sâu có thể tuyển dụng thêm giáo viên.
Cần quy chế thanh toán BHYT khi bệnh nhân mua thuốc ngoài
Lĩnh vực y tế tiếp tục nhận được quan tâm của đại biểu, nhất là về thanh toán chi phí bảo hiểm y tế. Đại biểu Dương Khắc Mai (Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) nói nhiều cử tri nhắn tin phàn nàn việc bệnh nhân đi viện có bảo hiểm y tế (BHYT) phải mua thuốc bên ngoài, gây nhiều khó khăn. Ông chất vấn Bộ trưởng Y tế việc đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, người tham gia BHYT trong trường hợp này thế nào vì đây là yêu cầu chính đáng và cần thiết.
"Thuốc kê đơn bên ngoài rất đắt, không phải ai cũng có điều kiện để mua. Mong Bộ trưởng phối hợp BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là với bệnh nhân nghèo, khó khăn", ông Mai nói.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói đã chỉ đạo cụ thể. Chiều qua khi Quốc hội đang họp, Vụ BHYT và cơ quan của BHXH Việt Nam đã họp bàn nội dung, phương án cụ thể. Bộ đang tích cực chỉ đạo, khi có dự thảo sẽ gửi các địa phương và bộ ngành xin ý kiến.
"Nội dung này sẽ nêu điều kiện người bệnh được thanh toán, quy định để tránh lạm dụng, đẩy người bệnh ra bên ngoài mua thuốc", bà Lan nói.
Về pháp lý, Bộ trưởng cho biết đã có Điều 31 Luật BHYT, theo đó, Bộ Y tế được quy định một số trường hợp khác để thanh toán BHYT. Tuy nhiên, quy định này muốn có hiệu lực phải có thông tư của Bộ để hướng dẫn triển khai cụ thể.
Lao động xuất khẩu gửi về nước 3,5-4 tỷ USD mỗi năm
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Thường trực Ủy ban Xã hội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu kế hoạch xuất khẩu lao động với cơ cấu hợp lý để vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa không làm gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động tại Việt Nam, đặc biệt là tại các khu công nghiệp ở các thành phố lớn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin mỗi năm 120.000-140.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài, riêng năm 2023 đến nay đã có 112.000 người đi, cao nhất là Nhật Bản 55.000 và Đài Loan 30.000. Bình quân mỗi năm lực lượng lao động này đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5-4 tỷ USD.
Bộ trưởng Dung cho biết thời gian tới sẽ xây dựng trang thông tin, sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài khi người lao động về nước để bố trí công việc; bổ sung hình thức lao động ngắn hạn, thời vụ, theo mùa để tận dụng năng lực sở trường. Bộ cũng tạo điều kiện để các trường hợp này được vay vốn, sản xuất kinh doanh và mở công xưởng, thu hút lao động có kỹ năng về nước.
Theo ông Dung, mỗi năm ngành lao động phải giải quyết việc làm cho 1,6-1,7 triệu lao động trong nước, lực lượng lao động đi nước ngoài chiếm khoảng 10%. "Quy mô này là vừa phải, căn cứ vào cung cầu lực lượng lao động trong nước", ông Dung nói.
9h30, phiên chất vấn các Bộ trưởng lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông kết thúc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong 190 phút (chiều qua và sáng nay), có 124 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 35 đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn và tranh luận. 6 bộ trưởng và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã trả lời.
Ông Huệ đề nghị 99 đại biểu đã đăng ký chất vấn và tranh luận nhưng chưa phát biểu gửi nội dung quan tâm đến thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.
Xem diễn biến chính