Trình bày đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 13/7, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, số tiền còn lại (18.500 tỷ đồng) sẽ huy động từ nguồn hợp pháp khác.
Với 4 dự án, 11 tiểu dự án bao trùm các giải pháp giảm nghèo, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, Chính phủ kỳ vọng đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ; giảm 1,5 triệu người nghèo mỗi năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia.
Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo được kỳ vọng tăng 20%-25% một năm; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo.
Bên cạnh đó, Chính phủ mong muốn tỷ lệ thất nghiệp năm 2025 dưới 3%; tỷ lệ thiếu việc làm nhỏ hơn 1,89%; lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 45%; lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 35%...
"Chương trình hướng tới giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bao trùm, tức là xóa bỏ nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản", ông Dung nói.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội cho biết, bối cảnh hiện nay chưa thể cân đối đủ ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Do vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội phê duyệt tổng kinh phí; giao Chính phủ hằng năm, tùy tình hình thực tế, tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để bổ sung và có giải pháp huy động vốn ODA, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng với yêu cầu về nguồn vốn nêu trên, cùng với 2 chương trình mục tiêu quốc gia khác, sẽ là áp lực rất lớn cho việc cân đối ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện; đưa ra khỏi chương trình nội dung trùng hoạt động chi thường xuyên; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn khác...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần tiếp tục đầu tư vào địa bàn nghèo, hộ nghèo... nhằm đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều hàng năm 1-1,5%. "Đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, Chính phủ cân đối các nguồn lực để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình khi trình Quốc hội cho ý kiến", ông Mẫn nói.
Hiện nay, một số địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 61,28% tổng số hộ nghèo cả nước cuối năm 2020. 81 huyện nghèo và 167 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính vào tháng 1/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ, với khoảng 17,447 triệu người. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83%, hộ cận nghèo là 5,77%.