JLL vừa công bố báo cáo thị trường nhà ở có thương hiệu (còn gọi là căn hộ hàng hiệu) cho thấy, đối tượng khách mua loại tài sản này hạn chế trong nhóm các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, sở hữu ít nhất một triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng) mới có thể đầu tư. Loại hình bất động sản này mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã nhanh chóng gây sốc vì giá bán cao nhất lịch sử hình thành thị trường (trên 400 triệu đồng một m2 căn hộ), phá vỡ mọi kỷ lục về giá của các dự án nhà hạng sang và siêu sang từng lập trước đó.
Đơn vị này dẫn nguồn Báo cáo về Sự giàu có trên Thế giới cho thấy, số lượng cá nhân có tài sản ròng từ một triệu USD trở lên đã tăng gấp đôi trên toàn thế giới từ năm 2009 đến 2019, là nhóm khách hàng tiềm năng của dòng sản phẩm căn hộ hàng hiệu, mua với mục đích để ở hay đầu tư. Những người này thuộc nhóm dịch chuyển qua lại giữa nhiều thành phố lớn trên thế giới, sở hữu nhiều nhà và có nhu cầu cá nhân hóa tài sản để thể hiện đẳng cấp, địa vị. Họ chuộng nơi ở vừa có phong cách gia đình vừa đáp ứng dịch vụ cao cấp như khách sạn 5-6 sao.
Các căn hộ hàng hiệu luôn gắn liền với một hay nhiều thương hiệu nổi tiếng, được cho là lọt vào tầm ngắm của nhóm khách hàng có vốn từ một triệu USD trở lên này, song hiện chưa phải là sản phẩm phổ biến. Trên toàn thế giới, số lượng căn hộ có thương hiệu chỉ khoảng 55.000 căn trong hơn 400 dự án. Các thương hiệu thời trang cao cấp như Giorgio Armani, Karl Lagerfeld và các nhà sản xuất xe hơi Aston Martin, Porsche, gần đây đã tham gia vào thị trường ngách này.
Ngành kinh doanh này hiện được thống trị bởi các thương hiệu khách sạn cao cấp toàn cầu như Marriott International, Hilton Worldwide và Mandarin Oriental. Các khách sạn kiểm soát 80% thị trường nhà ở có thương hiệu trên toàn thế giới. Mỹ là quốc gia nắm giữ khoảng một phần ba nguồn cung khu dân cư thương hiệu trên toàn cầu. Châu Á cũng chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là ở Thái Lan, Indonesia, Dubai và mới đây Việt Nam bắt đầu có tên trên bản đồ bất động sản hàng hiệu thế giới.
Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, Việt Nam được định vị là thị trường khá mới mẻ đối với phân khúc nhà ở có thương hiệu. Tuy nhiên, nhờ sự hội nhập sâu rộng với thế giới, tăng trưởng kinh tế cao và tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp siêu giàu, Việt Nam bắt đầu xuất hiện các sản phẩm bất động sản hàng hiệu gây chú ý trong khu vực. JLL dự báo, ba điểm nóng TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng có thị trường bất động sản sôi động, có nhận diện đối với nhà đầu tư quốc tế cao, sẽ là miền đất hứa cho mô hình căn hộ hàng hiệu tại thị trường Việt Nam thời gian tới.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam về thị trường ngách căn hộ hàng hiệu (branded residence) cho biết, nhóm người giàu và siêu giàu là khách hàng tiềm năng của loại bất động sản xa xỉ này. Đơn vị này cũng xác nhận phân khúc căn hộ hàng hiệu đã thiết lập mức giao dịch 18.000 USD một m2 cho căn hộ tại quận 1, TP HCM đầu quý II/2021 và sẽ còn tiếp tục xuất hiện thêm nguồn cung mới trong thời gian tới.
Dữ liệu của Savills cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu trên thế giới. Đang nổi lên là một trong các điểm đến du lịch nghỉ dưỡng phát triển, Việt Nam được đánh giá chạm tới nhiều nhu cầu của thị trường quốc tế về phân khúc bất động sản hàng hiệu. Thêm vào đó, nhờ ghi nhận sự tăng tưởng cao của nhóm người giàu trong nước, nhu cầu bất động sản hàng hiệu tại thị trường nội địa Việt Nam ngày càng mở rộng theo thời gian.
Tuy nhiên, vẫn có không ít quan ngại căn hộ hàng hiệu giá triệu USD không dễ "lấy lòng" giới nhà giàu Việt. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đánh giá, mức giá trên dưới nửa tỷ đồng một m2 căn hộ hàng hiệu và lên đến triệu đô một sản phẩm tuy nhắm đến giới nhà giàu và siêu giàu nhưng vẫn có thể bị dội tâm lý. Bởi lẽ, nhóm khách hàng có dòng tiền hàng triệu USD tại Việt Nam vẫn có thể tăng phòng thủ trong giai đoạn đại dịch bùng phát và so sánh căn hộ hàng hiệu với biệt thự hạng sang giá trị tương đương cũng xa xỉ không kém.
Theo ông Quang, trong khi diễn biến của đại dịch tại Việt Nam và thế giới vẫn khó lường, nhiều thương hiệu khách sạn khó khăn và tài sản khách sạn sụt giảm giá trị, các chủ đầu tư muốn nhập khẩu thương hiệu quốc tế vào Việt Nam để phát triển bất động sản hàng hiệu có phần hơi vội vàng.
Trung Tín