- Chia tay sau khi hai gia đình gặp nhau vì không 'môn đăng hộ đối'
Sau khi đọc bài: "Chia tay sau khi hai gia đình gặp nhau vì không môn đăng hộ đối", tôi xin kể câu chuyện nhỏ của hai người em, để mọi người cùng tham khảo. Em gái xuất thân từ một gia đình trung lưu ở thành phố lớn, tốt nghiệp đại học top đầu. Em yêu và kết hôn với chàng trai vùng khác, học giỏi, hiện là tiến sĩ, bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Nhìn vào, ai cũng thấy họ thật đẹp đôi, cả về ngoại hình lẫn học vấn. Thế nhưng "ở trong chăn mới biết chăn có rận", sau gần 10 năm kết hôn, ngoài việc chăm lo cho cha mẹ hai bên, họ còn phải gánh vác đại gia đình nhà chồng (hoàn cảnh khá giống nhân vật nam trong bài viết). Căn chung cư của vợ chồng dần trở thành "nhà trọ" cho anh chị em, cháu chắt từ quê ra khám bệnh, thi đại học, chuẩn bị nhập học..., không gian riêng tư gần như không còn.
Ngoài khác biệt về cách nói chuyện và phát âm, điều lớn nhất tạo ra khoảng cách giữa họ là sự khác biệt về nhận thức giữa hai gia đình. Gia đình chồng vốn xuất thân từ nông thôn, có nhiều tư tưởng và thói quen khác biệt. Họ rất coi trọng chuyện họ hàng, làng xóm, đám giỗ, ngày tết. Đây không phải là quan điểm sai, nhưng đôi khi lại trở thành gánh nặng cho những người trẻ. Hàng năm, ngoài những đám giỗ lớn mà vợ chồng em phải có mặt, mỗi dịp tết đến, thay vì được thư giãn và tận hưởng không khí xuân, họ lại phải chạy đi chạy lại quãng đường gần 400 km mỗi chiều với ba đứa con nhỏ.
Những ngày tết của họ là chuỗi hành trình bận rộn với phong tục khác nhau. Về quê, không ai hỗ trợ trông con, chồng lâu ngày không về nên phải đi thăm từng nhà, chúc tụng họ hàng, còn mọi việc nhà lại đổ lên vai vợ. Đến mùng 4, khi hết tết, tỉnh rượu, họ mới có thể đến chúc tết bố mẹ vợ rồi vội vàng trở lại công việc. Chúng ta có thể nhìn vào câu chuyện này với lăng kính của tình yêu để chúc phúc cho họ, tôi chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ để mọi người cùng suy ngẫm. Mong nhận được sự chia sẻ của các bạn.
Hà An