Khảo sát của VnExpress cho thấy, giữa mùa dịch, trên thị trường thứ cấp xuất hiện một số trường hợp chào bán căn hộ condotel thấp hơn giá vốn nhưng thanh khoản thị trường kém.
Anh Lực, một nhà đầu tư gia nhập thị trường condotel 3 năm gần đây cho biết, 6 tháng qua, anh chào bán căn hộ condotel tầng cao, view hướng biển, diện tích 40 m2 tại Nha Trang, Khánh Hòa, giá 2,5 tỷ đồng, đã bao gồm nội thất hoàn chỉnh (chi phí nội thất hơn 200 triệu đồng). Mức giá chào bán giữa đợt dịch lần thứ tư đã giảm 250 triệu đồng so với tổng suất đầu tư (gần 2,8 tỷ đồng), nhưng nửa năm qua chưa có khách hỏi mua.
Sở dĩ anh Lực giảm giá condotel vì cần tất toán khoản nợ ngân hàng đang chịu lãi suất 12% một năm, đồng thời lo ngại dịch bệnh nên muốn thu hồi dòng tiền, chuyển vốn sang kênh đầu tư khác, song thị trường thứ cấp ế ẩm.
Tương tự, ông Vỹ ngụ tại TP HCM cũng cho biết đang bán căn hộ condotel 2 phòng ngủ tại Đà Nẵng giá 3 tỷ đồng, sẵn sàng thương lượng giảm 15% cho khách hàng thiện chí trong mùa dịch, song mòn mỏi chờ chưa thấy khách hỏi mua.
Ông Vỹ cho biết, năm 2020 đã từng rao bán căn hộ condotel với mức giảm 10%, đến đợt dịch lần thứ tư mức giảm là 15% nhưng vẫn ế khách. Nguyên nhân nhà đầu tư này xả hàng dưới giá vốn vì muốn giải tỏa áp lực tài chính, đang vay một tỷ đồng lãi suất 11% một năm.
"Ngay cả khi bán giá gốc, suất đầu tư này xem như đã bị lỗ chi phí lãi vay, dù tôi đã thử hạ giá vẫn không có khách mua. Có lẽ phải chờ dịch bệnh được kiểm soát và đủ vaccine mọi thứ mới trở lại bình thường", ông Vỹ chia sẻ.
Trên thực tế, các giao dịch condotel trên thị trường thứ cấp đã trầm lắng từ năm 2019 do các quan ngại về hành lang pháp lý (sổ hồng) cho sản phẩm này vẫn còn bỏ ngõ cùng với tình trạng một số chủ đầu tư phá vỡ cam kết lợi nhuận khiến giới đầu tư phản ứng tiêu cực với phân khúc này. Covid-19 kéo dài giai đoạn 2020-2021 đã đẩy căn hộ condotel rơi vào thế bế tắc khi nhiều thủ phủ du lịch ế khách do giãn cách xã hội hoặc phong tỏa cục bộ để phòng dịch.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam xác nhận, một số ít trường hợp các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng hạ giá căn hộ condotel vì áp lực tài chính trong thời gian qua song đây là phản ứng cục bộ, quy mô nhỏ lẻ, chưa đại diện cho toàn thị trường. Dù có vài trường hợp giảm giá, thanh khoản căn hộ condotel trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư rao bán lại) gần như không xác định được giao dịch trong tháng 6, thị trường có biểu hiện "ngủ đông".
Ông Hoàng đánh giá, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, không mang lại lợi nhuận. Điều đó làm cho người mua bất động sản nghỉ dưỡng càng thận trọng hơn. Từ sau trường hợp vỡ cam kết lợi nhuận của một dự án quy mô lớn vào năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như rơi vào tình trạng ngủ đông. Mặc dù giai đoạn đầu năm 2021 có một vài dấu hiệu khởi sắc nhẹ, nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ tư xuất hiện đã làm phân khúc này tiếp tục đóng băng.
Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho hay, giai đoạn năm 2016 - 2018 là thời hoàng kim của phân khúc căn hộ condotel với nguồn cung rất lớn, thanh khoản cao. Mỗi năm, khoảng hàng chục nghìn căn được đưa ra thị trường, tạo nên cuộc đua về lợi nhuận từ rất nhiều dự án. Nguồn cung mới vượt quá sức hấp thụ nên khách mua tìm đến các dự án mới.
Một số nhà đầu tư khi mua condotel với mục đích đầu tư tìm kiếm lợi nhuận (từ việc cho thuê hoặc bán lại). Nhưng từ cuối 2018 đến nay, một số dự án không thực hiện được lợi nhuận cam kết hoặc lợi nhuận vận hành cho thuê không đáp ứng kỳ vọng, làm cho khách hàng dần vơi bớt niềm tin vào phân khúc này. Điều này cho thấy, không chỉ thị trường thứ cấp khó khăn mà cả thị trường sơ cấp cũng suy giảm mức tiêu thụ.
DKRA Vietnam dự báo, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, hoạt động du lịch bị suy giảm nghiêm trọng nên từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể nói gần như rơi vào trạng thái "ngủ yên".
Đến khi các hoạt động kinh tế - xã hội hoạt động trở lại, phải cần thêm một khoảng thời gian để thị trường từng bước "thức giấc". Nếu cuối năm nay, dịch bệnh được kiểm soát và chương trình tiêm chủng vaccine hoàn thành, các hoạt động kinh doanh thương mại từng bước phục hồi và du lịch nội địa, quốc tế được nối lại, có thể sang năm 2022 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có một vài tín hiệu tích cực trở lại.
Trung Tín