Sáng 24/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, người đứng đầu Chính phủ dành nhiều thời gian chia sẻ về trăn trở phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. "Việt Nam, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu", ông nói, đề nghị cả nước chung tay cùng thế giới chống biến đổi khí hậu cực đoan, phấn đấu đưa phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Ông cho biết, Chính phủ vừa qua đã cấp 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông, biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, Đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư các dự án lớn hàng tỷ USD để ứng phó.
"Chúng ta cần huy động ngân sách, vốn vay, hợp tác công tư để thực hiện. Chỉ những dự án lớn mới phát huy được hiệu quả, xoay chuyển tình thế. Vay vốn xây dựng hạ tầng mà làm các dự án nhỏ lẻ, dàn trải sẽ manh mún, không hiệu quả", Thủ tướng nói.
Ông cho biết trong tuần này sẽ gặp Chủ tịch Ngân hàng thế giới tại Hà Nội để bàn cách tiếp cận nguồn vốn vay mới, trong đó có đầu tư cho chống biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng chương trình một triệu ha lúa sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững. Trong các chuyến công du, Thủ tướng đã gặp Tổng thống Philipines và Tổng thống Indonesia đề nghị ký kết hiệp định đảm bảo xuất khẩu gạo từ Việt Nam nhằm đảm bảo đầu ra ổn định.
"Đồng bằng sông Cửu Long là trăn trở của Đảng, Nhà nước", Thủ tướng nói. Ông đề nghị các tỉnh trong vùng đào tạo tốt hơn nhân lực và hợp tác xây dựng hạ tầng giao thông trên tinh thần chia sẻ để giải quyết vướng mắc về mỏ vật liệu, đất đắp nền cao tốc. Vùng cũng cần tận dụng lợi thế đường thủy, xây dựng thêm nhiều bến cảng, cầu cảng, nâng cấp sân bay Cà Mau để việc đi lại thuận tiện hơn.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh thành, diện tích tự nhiên 40.000 km2 (13% diện tích cả nước), dân số 18 triệu người (19% cả nước), có nhiều tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, năm 2022, hiện tượng ngập lụt, sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường, gây thiệt hại đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản, tác động đến nhiều mặt đời sống người dân.
Dẫn báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới, bà Thanh lo ngại, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu thì khoảng 40% diện tích vùng bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác.
Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, đặc biệt là thực trạng và tác động của hạn mặn, ngập lụt đến vùng trong thời gian qua và dự báo thời gian tới. Bà cũng mong Thủ tướng hỗ trợ tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long triển khai dự án cầu Đình Khao, xây dựng hạ tầng hiện đại, phát triển giao thông liên hoàn, kết nối tỉnh và liên vùng.
"Cần đầu tư lớn về nguồn lực và sớm triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050", bà Thanh nói.