PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM chia sẻ với VnExpress.net những biến động trên thị trường tiền tệ gần đây.
- Ông đánh giá thế nào về việc ngân hàng tăng giá mua bán USD lên mức kịch trần suốt tuần qua?
- Việc đẩy tỷ giá mua bán USD lên mức kịch trần cho thấy nhu cầu ngoại tệ cả thực lẫn ảo đều đang tăng lên rất cao. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng tạo lập sự cân bằng bằng cách tăng cường công tác thanh tra giám sát và hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ để ổn định thị trường.
Xét về tổng thể, cán cân thanh toán vẫn cân bằng. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành điều tra xem có hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ của các ngân hàng, tổng công ty, doanh nghiệp hay không.
- Vì sao căng thẳng tỷ giá lại xảy ra vào thời điểm này thay vì cuối năm như thường thấy?
- Theo tôi, nguồn cung USD căng thẳng trong thời điểm này có thể một phần do tâm lý. Nhu cầu ngoại tệ ảo phát sinh khi nhiều người đang chờ đợi xem liệu Ngân hàng Nhà nước có phá giá tiếp hay không. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải khẳng định là có phá giá tiền đồng nữa hay không. Nếu không thì cần can thiệp để ổn định thị trường, tạo niềm tin vào tiền đồng.
Một điểm cần lưu ý là có hay không việc buôn lậu vàng vì đây cũng là yếu tố có thể khiến nguồn cung USD trở nên căng thẳng. Giá trong nước đắt hơn nhiều thế giới có thể dẫn đến buôn lậu vàng và đưa đến nhu cầu về USD tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước hiện đủ lực và khả năng để can thiệp thị trường ngoại hối và ổn định tỷ giá. Nhập siêu 6 tháng đầu năm 1,4 tỷ USD, nhưng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đến 5,7 tỷ USD và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên cả nước ước đạt 2,2 tỷ USD và còn một nguồn kiều hối nữa. Như vậy, ngoại tệ vẫn dư dả, chứ không thiếu hụt. Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên điều tra, giám sát xem có hiện tượng găm giữ ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.
Nếu trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu không mua được ngoại tệ thì nên phản ánh trực tiếp với ngân hàng Nhà nước để được can thiệp, hỗ trợ.
- Hiện có quan điểm cho rằng trước đây lãi suất tiền đồng cao, nhiều ngân hàng bán USD để lấy tiền đồng cho doanh nghiệp vay và giờ phải mua lại USD dẫn tới nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Liệu quan điểm này có cơ sở?
- Ngân hàng Nhà nước có quy định trạng thái ngoại hối của từng ngân hàng thương mại chứ không cho phép các nhà băng được quyền bán hết ngoại tệ đang có. Tuy vậy vẫn có một số ngân hàng thương mại bán ngoại tệ để lấy tiền đồng cho vay. Nhưng thực tế, thị trường không hấp thụ được hết lượng tiền này, dư nợ tín dụng cũng không tăng được, nhà băng cũng không thể cho vay như dự kiến. Bán USD rồi mua lại để làm tăng nhu cầu ngoại tệ là có, nhưng việc này chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới nắm bắt chính xác.
Theo tôi, vấn đề cốt lõi hiện nay là ngân hàng Nhà nước phải tạo được niềm tin của thị trường, người dân, doanh nghiệp đối với chính sách tỷ giá.
- Ông nhận định thế nào về diễn biến tỷ giá từ nay tới cuối năm?
- Tôi nghĩ rằng tỷ giá sẽ ổn định và không có biến động lớn. Điều này giúp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Phá giá tiền tệ có thể hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng ngược lại gây một số bất ổn khác như: phải có sự điều chỉnh ngay về giá xăng dầu, giá điện và các loại giá hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Sau hơn một năm rưỡi ổn định, từ 28/6, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh lên 21.036 đồng. Các ngân hàng thương mại không được mua bán thấp hơn 20.826 đồng và không cao hơn 21.246 đồng một đôla. Chỉ vài ngày sau đó, niêm yết bán tại các ngân hàng đều kịch trần, trong khi giá chào tại các điểm thu đổi tự do có lúc tiến sát 21.900 đồng. |
Phương Mai