Tại Hội thảo về phát triển thị trường mua bán nợ sáng 15/11, tại Hà Nội, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, ông Cấn Văn Lực đánh giá, việc mua bán nợ đang được thực hiện vòng vo trên 4 chủ thể là VAMC, DATC, AMC và tổ chức tín dụng. Trong khi đó, các công ty AMC và ngân hàng chỉ chú trọng xử lý nợ của bản thân và chưa tham gia mua bán với các tổ chức khác. Tiến độ xử lý nợ tại Việt Nam còn chậm và kéo dài.
Thay vào đó, thị trường mua bán nợ cần phải được mở rộng để tư nhân tham gia vào. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan cho thấy chủ thể tham gia rất đa dạng, như ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí... cho đến nhà đầu tư cá nhân và các công ty định giá chuyên nghiệp và hội thẩm định giá.
Còn ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ ở Việt Nam thiếu các nhà môi giới, tư vấn chuyên nghiệp, định giá tài sản độc lập (công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty chứng khoán). Việc mua bán nợ chưa có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, thị trường thứ cấp và phái sinh hầu như chưa có.
Tại hội thảo, ông Cấn Văn Lực kiến nghị Việt Nam cần sớm cho phép lập công ty xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việt Nam có khoảng 10 công ty định giá, gồm một công ty thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các công ty này đều hoạt động một cách thiếu độc lập và năng lực yếu.
Dẫn trường hợp BIDV, Agribank, ông Lực cho biết, từ trước đến nay, các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc định giá tài sản. "Có trường hợp BIDV đấu giá 6 lần vẫn không thành công, bởi công ty định giá đưa ra mức giá ban đầu không phù hợp với thị trường. Chúng tôi lại phải giảm dần qua từng đợt vì hiện nay quy định cũng chỉ cho phép điều chỉnh 5-10% trong một lần đấu giá", ông nói.
Tương tự, định giá tài sản, đặc biệt với đất là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc cổ phần hoá của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Vướng mắc liên quan tới định giá doanh nghiệp, thực tế cũng từng được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nêu như một nguyên nhân chậm cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, để phát triển thị trường mua bán nợ, chuyên gia của BIDV cũng đưa ra đề xuất hàng hoá được giao dịch có thể bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, nợ doanh nghiệp tại ngân hàng (nợ tốt và nợ xấu). Nợ cá nhân như thẻ tín dụng, khoản vay cho vay mua nhà, ô tô... cũng có đưa lên thị trường mua bán nợ với điều kiện gom lại thành một gói. Điều quan trọng nữa là các khoản nợ phải được minh bạch để người mua người bán có đủ thông tin giao dịch.
Tại sự kiện, nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất Việt Nam cần phải có Nghị định riêng về thị trường mua bán nợ như các nước phát triển. Hiện nay, khuôn khổ pháp lý đã có một phần (có một số quy định liên quan như Nghị quyết 42, Nghị định 53, Nghị định 69...) nhưng cần bổ sung, hoàn thiện.
Quỳnh Trang