Hôm 10/10, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov cho biết Bộ Quốc phòng sẽ sớm đề nghị Quốc hội nước này phê chuẩn việc thiết lập một căn cứ hải quân thường trực ở thành phố Tartus của Syria, theo RBTH.
Trên thực tế, Nga đã kế thừa từ Liên Xô một quân cảng ở Tartus từ giữa thập niên 1980, và đây hiện là vị trí đứng chân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải. Dù trải qua quá trình hiện đại hóa, đây không phải là một căn cứ hải quân thường trực tầm cỡ, bởi nó có quy mô khá nhỏ và không thể đón các chiến hạm lớn.
"Trong 25 năm qua, với chính sách giảm hiện diện quân sự ở nước ngoài, chúng tôi đã mất các căn cứ ở Qatar và Yemen, chỉ còn lại quân cảng Tartus. Quân cảng này hiện chỉ có một xưởng nổi để sửa chữa và bảo dưỡng tàu cơ bản", đại tá về hưu Leonid Ivashov, giám đốc Trung tâm Phân tích Địa chính trị Quốc tế ở Moscow, cho biết.
Theo một nguồn tin ở tổ hợp quốc phòng Nga, căn cứ thường trực sắp được thiết lập của Nga ở Tartus sẽ có các âu tàu để tàu chiến có thể neo đậu lâu dài, cùng các doanh trại cho nhân viên quân sự, lính phòng không và các đơn vị an ninh đồn trú.
"Mục đích đầu tiên của căn cứ này là tiếp nhận tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, trang bị các tiêm kích hạm Su-33, Mig-29K/ KUB và các trực thăng tấn công Ka-25K triển khai đến Địa Trung Hải", Dmitry Litovokin, chuyên gia quân sự của nhật báo Izvestia, nói.
Theo Litovokin, nếu không có căn cứ như vậy, quá trình Nga triển khai một lực lượng hải quân đầy đủ ở Địa Trung Hải sẽ mất vài tuần.
"Giờ đây, các tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr-NK có thể đồn trú lâu dài ngoài khơi Syria và việc triển khai lực lượng hải quân biệt phái trên biển sẽ chỉ mất vài giờ", Litovokin cho hay.
Tăng cường vị thế
Frants Klinsevich, phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga cho rằng việc mở một căn cứ hải quân Nga ở ven bờ Địa Trung Hải sẽ tăng cường vị thế quân sự Nga trong khu vực và nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến.
"Với căn cứ này, chúng tôi có thể đáp ứng các cam kết theo hiệp đồng một cách dễ dàng. Những nhân viên quân sự Nga sẽ được đảm bảo về mặt xã hội, họ sẽ tăng cường chất lượng thực hiện nhiệm vụ nếu họ được bảo vệ pháp lý", Klintsevich nhấn mạnh.
Với căn cứ mới, Nga có thể triển khai không hạn chế số lượng binh sĩ đến Tartus dựa trên yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Tính hợp pháp của căn cứ này sẽ bảo vệ các quân nhân theo các quy định quốc tế hiện hành.
"Sẽ rất khó khăn cho bất kỳ bên nào vi phạm trắng trợn hoặc phớt lờ tư cách pháp lý của căn cứ này", Klintsevich cho hay.
Theo Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Duma Quốc gia Nga, căn cứ hải quân thường trực ở Syria sẽ được trang bị các hệ thống phòng thủ chống ngầm và vũ khí mới như hệ thống phòng không S-300 mà Nga mới triển khai đến đây.
"Với việc làm này, Nga không chỉ tăng cường tiềm lực quân sự ở Syria mà toàn bộ khu vực Trung Đông", thượng nghị sĩ Igor Morozov, thành viên Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện Nga, nhấn mạnh.
Xem thêm: Nga sẽ lập căn cứ hải quân thường trực ở Syria
Duy Sơn