Dành gần như toàn bộ thời lượng phát biểu của mình để nói về những nhức nhối của dự án bô xít Tây Nguyên, đại biểu Dương Trung Quốc đã tạo nên sự chú ý đối với vấn đề không được nhiều đại biểu đề cập trong 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.
Sự chú ý được nâng lên khi vị đại biểu Quốc hội, đồng thời là nhà sử học cho rằng mình “chưa thấy an lòng” với những trình bày của Bộ trưởng Tài nguyên & môi trường Phạm Khôi Nguyên xung quanh những quan ngại về môi trường đối với dự án bô xít.
Sự thẳng thắn của đại biểu này khiến nhiều đại biểu khác và ngay cả Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên mỉm cười. Trước đó, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã có phần trình bày về dự án theo phân công của Đoàn chủ tịch.
Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Với tư cách là người đứng đầu Bộ Tài nguyên & môi trường, cơ quan chủ trì Hội đồng thẩm định về môi trường của dự án bô xít, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định các giải pháp về môi trường đã được lập và thẩm định một cách cụ thể, khoa học. Ông Nguyên khẳng định là dự án đã được “cân đong, đo đếm phù hợp với các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, và các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam”.
Để đảm bảo tính chính xác và tỉ mỉ của kết luận, Bộ đã lập ra một hội đồng thẩm định gồm 21 người, lớn gấp 3 lần những hội đồng thông thường và bao gồm tới 18 nhà khoa học để tham gia thẩm định. Đứng sau những cá nhân này là hệ thống các viện nghiên cứu, các trường đại học và đội ngũ giáo sư, có thể trợ giúp đắc lực cho công tác thẩm định. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng tổ chức các đoàn nghiên cứu, tham quan và tìm hiểu mô hình tại các nước đi trước trong lĩnh vực khai thác bô xít, trong đó có cả Trung Quốc.
Bộ trưởng nhấn mạnh dự án bô xít lần này là dự án kết hợp với trồng rừng nên chuyện phá rừng để làm nhà máy là không thể xảy ra. Lượng khai thác lần này cũng chỉ khoảng vài chục triệu tấn, trên tổng trữ lượng hàng tỷ tấn của Tây Nguyên nên không ảnh hưởng nhiều tới tài nguyên đất nước .
Đối với các giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa sự cố, vị bộ trưởng này cũng khẳng định đã yêu cầu chủ đầu tư là Tập đoàn Than & Khoáng sản VN (TKV) thực hiện nghiêm túc, áp dụng những công nghệ, vật liệu tiên tiến nhất hiện nay để phòng ngừa.
“Ngay cả trong trường hợp xấu nhất là hồ bùn đỏ bị vỡ, chúng tôi cũng đã yêu cầu TKV dành ra một diện tích khoảng 50 hécta để chứa hết lượng bùn này”, ông Nguyên nói.
Ngoài ra, để tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ nhiều phía đối với dự án, Bộ Tài Nguyên & Môi trường đã lập một phòng tài liệu riêng về dự án bô xít đề phục vụ nhu cầu nghiên cứu của tất cả các nhà khoa học, những cử tri quan tâm, muốn đóng góp ý kiến. “Chúng tôi xin lắng nghe với tinh thần rất cầu thị để tiếp tục hoàn thiện và theo dõi làm sao để công trình khai thác bô xít ở Tây Nguyên bảo đảm tốt nhất, an toàn nhất về mặt môi trường”, Bộ trưởng khẳng định.
Đánh giá cao phần trình bày của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, nhưng theo đại biểu Dương Trung Quốc, ông vẫn “không thấy an tâm”. Dùng từ “vô cảm” để nói về báo cáo của Chính phủ với Quốc hội trong vấn đề bô xít mà không hề đề cập tới sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại Hungary. Đại biểu Quốc một lần nữa đặt lại câu hỏi về sự an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên. “Người dân quan sát thấy dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bô xít đã là chuyện ván đã đóng thuyền", ông Quốc tâm tư.
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo đại biểu của đoàn Đồng Nai thì báo cáo tác động môi trường mà Bộ trưởng Nguyên nhắc đến đã được thực hiện cách đây một năm, còn sự cố tại Hungary mới nhãn tiền. Như thế, những thông tin được nêu ra vẫn là thông tin cũ.
Mối quan tâm của dư luận ngày càng tăng, ý kiến phản biện thì nhiều nhưng theo đại biểu Dương Trung Quốc, trả lời các quan chức có trách nhiệm “ngày càng ít thuyết phục, thậm chí thiếu tự tin…”
Xét thêm cả vấn đề môi trường và an ninh quốc phòng, đại biểu Quốc cho rằng rủi ro với dự án bô xít, nếu xảy ra, sẽ còn nguy hiểm hơn cả sự kiện Vinashin. “Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bô xít nếu xảy ra liên quan đến vận mệnh của quốc gia. Đó cũng là lý do tôi đề nghị Quốc hội phải công khai danh tính khi bấm nút biểu quyết để nhân dân hôm nay và lịch sử ngày mai có thể phán xét hành động của mỗi người”, nhà sử học nói thêm.
Lấy ví dụ về Dự án Dung Quất có thể kéo dài nhiều năm để lựa chọn phương án tối ưu, đại biểu Quốc cho rằng phương án tương tự cũng nên được áp dụng với bô xít để các bên liên quan bàn bạc cho thấu đáo: “Nếu đặt lợi ích của dân tộc lên cao trên hết thì mọi khó khăn khắc nghiệt đều có thể vượt qua”, đại biểu này khẳng định.
Nhật Minh